|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tôm dự kiến tăng trở lại vào cuối năm do nguồn cung thiếu hụt

15:46 | 22/11/2018
Chia sẻ
Giá tôm thế giới ổn định và tăng từ cuối tháng 7 khiến người nuôi tôm tăng cường thả nuôi cho vụ đông. Tuy nhiên sản lượng thu hoạch tôm dự đoán vẫn thấp hơn nhu cầu của các nhà chế biến nên về cuối năm giá tôm tăng vì tình trạng cung thấp hơn cầu.

Về cuối năm giá tôm được dự đoán tăng vì nguồn cung thắt chặt

Tại Đối thoại bàn tròn thủy sản với chủ đề “Làm thế nào để nâng cao giá trị cho sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam” sáng 22/11, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, cho biết thời tiết đầu năm 2018 không thuận lợi, các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết nên lượng tiêu thụ tôm giảm đáng kể, hàng tồn kho lớn, cùng với hàng tồn kho ở Nhật Bản, Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc siết chặt xuất khẩu tôm qua biến giới bằng đường tiểu ngạch, khiến tôm từ Ấn Độ, Ecuado, Indonesia... không thể đưa vào Trung Quốc bằng còn đường này, làm hàng tồn kho của những quốc gia này tăng đáng kể.

Theo ông Quang, nhu cầu mua tôm những tháng đầu năm thường thấp và khách hàng có tâm lí đợi giá tôm giảm đến “giá đáy” mới mua vào.

Trong khi các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan ... đang vào mùa thu hoạch, người nuôi tôm muốn bán được tôm và các nhà máy chế biến cũng muốn bán được hàng nên giá tôm trên thị trường giảm.

Ông Quang cho biết, khi không bán được hàng thì người bán tiếp tục giảm giá và với tình huống này đã tạo ra tâm lí tiếp tục chờ giá giảm, với giá tại các thị trường Ấn Độ, Eucuado, Việt Nam giảm liên tục.

Giá nguyên liệu giảm, người nuôi lo giá sẽ tiếp tục xuống thấp hơn nữa và lỗ, dẫn đến tình trạng thu hoạch sớm.

“Trước đây, thường người nuôi sẽ thu hoạch tôm khi đạt kích thước 30 - 50 con/kg nhưng đầu năm 2018 với tâm lí bất ổn về giá nên phần lớn người nuôi đã thu hoạch đồng loạt sớm khi tôm nuôi mới đạt khoảng 70 - 100 con/kg”, ông Quang cho hay.

Với lượng tôm có kích cỡ nhỏ, thu hoạch đồng loạt làm cho nguồn cung tôm cùng một kích cỡ là rất lớn, trong khi năng suất chế biến ở các nhà máy hạn chế nên nguyên liệu dư thừa. Điều này tạo áp lực về cung vượt cầu khiến giá tôm trong giai đoạn tháng 4 - đầu tháng 5 giảm hơn 20% và gần chạm mốc giảm 30%.

Bước vào vụ hè thu năm 2018, người nuôi hạn chế nuôi vì giá nguyên liệu thấp và chi phí sản xuất tăng trong nửa đầu năm 2018 khiến nhiều người thua lỗ. Mặc dù vậy, giá tôm thế giới ổn định và tăng từ cuối tháng 7 khiến người nuôi tôm tăng cường thả nuôi cho vụ đông.

Tuy nhiên sản lượng thu hoạch tôm dự đoán vẫn thấp hơn nhu cầu của các nhà chế biến nên về cuối năm giá tôm tăng vì tình trạng cung thấp hơn cầu.

Theo ông Quang, hiện tại giá tôm vẫn thấp do người nuôi tôm vẫn tăng cường nuôi, cùng với sản lượng tôm Ấn Độ tăng hơn 20% trong năm nay.

gia tom du kien tang tro lai vao cuoi nam vi nguon cung thieu hut
Đối thoại bàn tròn thủy sản với chủ đề “ Làm thế nào để nâng cao giá trị cho sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam” sáng 22/11. Ảnh: MA.

Chỉ nuôi tôm một kích cỡ rất khó cạnh tranh

Liên quan liên đến chi phí kiểm dư lượng kháng sinh, ông Quang cho biết các thị trường xuất khẩu lớn, và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... đang kiểm soát rất gắt gao về vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm.

Ngoài ra, hiện nay các thị trường nhập khẩu tôm rất ưa chuộng và chú trọng màu sắc tôm. Họ cần tôm khi buộc lên có màu đỏ, trong khi các sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng, khó đạt yêu cầu của khách hàng. Đây là hạn chế của sản phẩm tôm nuôi của Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam so với tôm nuôi tại các quốc gia khác.

Để khắc phục các nhược điểm này, ông Quang cho biết, người dân nên sử dụng nước biển nuôi tôm có độ mặt từ 25% trở lên sẽ tạo lợi thế màu sắc đỏ đẹp, tôm nuôi có hương vị ngon và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của khách hàng.

Về kích cỡ của tôm khi thu hoạch, theo ông Quang, người nông dân thường nuôi tôm và chỉ thu hoạch tập trung một lần khi đạt kích cỡ 30 - 50 con/kg. Với cách thức nuôi này, tôm nuôi vừa chậm lớn lại hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm tôm nuôi Việt Nam vì nguồn cung không phù hợp với nhu cầu thị trường.

Khi người nuôi thu hoạch đồng loạt, tập trung ở cùng một kích cỡ sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa tôm kích cỡ đó trong khi các kích cỡ khác lại không có để bán, ông Quang nhận định.

Thực tế, các thị trường đều có có nhu cầu mạnh và đa dạng khác nhau. Vì vậy nếu chỉ nuôi một kích cỡ thì rất khó cạnh tranh và khó tìm kiếm khách hàng.

Xem thêm

Thu Hà