Giá tiêu tiếp tục ảm đạm trong 6 tháng đầu năm 2020?
Thị trường vẫn ảm đạm, giá tiêu tiếp tục giảm
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 3 ước đạt 33 nghìn tấn, với giá trị đạt 70 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm 2020 đạt 74 nghìn tấn và 163 triệu USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 13,9% về giá trị so với cùng kì năm 2019.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, năm thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Mianma và Đức, chiếm tỉ trọng 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam.
Đáng chú ý, thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu tăng mạnh nhất là Mianma (tăng gấp 6,6 lần so với cùng kì 2019). Giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng năm 2020 đạt 2.305 USD/tấn, giảm 17,9% so với cùng kì năm 2019.
Tính đến cuối tháng 3, đại dịch COVID-19 đã lan rộng và bùng phát tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và EU – 2 thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất trên toàn cầu.
Không những nhu cầu tiêu thụ bị ảnh hưởng mà việc xuất khẩu cũng bị gián đoạn do các hạn chế về việc thông quan hàng hóa.
Theo đó, hầu hết các hoạt động giao dịch hồ tiêu trên thế giới trong tháng 3 đều bị chậm lại. Trong tháng, không ghi nhận thị trường nào có mức tăng trưởng về giá.
Cụ thể, giá tiêu đen giao ngay của Brazil và Malaysia giữ ổn định, lần lượt là 2.000 USD/tấn và 3.685 USD/tấn.
Trong khi đó, giá này tại Ấn Độ giảm 2,5% so với đầu tháng 2 xuống còn 4.438 USD/tấn, Indonesia giảm 13,4% xuống 1.788 USD/tấn, Việt Nam giảm 4,8% xuống 1.995 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, giá tiêu tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 3. Tính đến ngày 27/3, giá thu mua tiêu đen trung bình cả nước giữ mức 36.500 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với đầu tháng.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nhận định nhìn chung, trong 3 tháng đầu năm 2020, giá tiêu trong nước vẫn giảm mạnh.
Giá tiêu có thể vẫn duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2020
Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường vẫn chịu áp lực dư cung. Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, giá hạt tiêu có khả năng sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm khi cung - cầu trở về mức cân bằng. Đồng thời, chất lượng hạt tiêu tăng lên và chi phí nhân công tăng cũng sẽ góp phần hỗ trợ giá hạt tiêu.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và đang tiếp tục lây lan trên toàn cầu, giá tiêu trên thị trường thế giới có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới, khi phải chịu tác động kép từ đại dịch và áp lực dư cung.
Theo dự báo của tập đoàn Nedspice, mặc dù sản lượng hồ tiêu toàn cầu ước tính sẽ giảm khoảng 12% trong năm nay nhưng lượng tồn kho được dự kiến vẫn cao hơn tổng nhu cầu trên thị trường.