Giá tiêu lên cao nhất 8 năm
Trên diễn đàn gia vị, người tiêu dùng và giới kinh doanh bất ngờ vì giá tiêu tăng nhanh, vượt cà phê, ca cao. Nhiều doanh nghiệp ví von "giá tiêu tăng nhanh hơn vàng"
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Phúc Sinh Group cho rằng giá tiêu tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp không mua được hàng vì nông dân trữ chờ giá tăng thêm. Điều này đang tạo áp lực lên một số doanh nghiệp phải gom đủ hàng cho đối tác.
Tương tự, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các loại gia vị đi Mỹ, EU cho biết đang sản xuất cầm chừng số nguyên liệu dự trữ trong kho gần cạn và cân nhắc nhập với số lượng vừa đủ vì giá tiêu tăng quá nhanh.
"Nếu đầu năm chỉ 77.000 đồng một kg, nay tiêu đã tăng thêm 67.000 đồng. Từ quý III trở đi, chúng tôi phải ký hợp đồng giá mới, nếu không sẽ thua lỗ", giám đốc doanh nghiệp này nói.
Theo các doanh nghiệp, giá tiêu sẽ còn tăng cao và có thể lặp lại đỉnh lịch sử năm 2015. Nguyên nhân là do tồn kho hồ tiêu tại các nước sản xuất chính như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil đều ở mức thấp do nhu cầu tiêu thụ cao trong thời gian qua.
Ông Thông cho rằng cây tiêu khó trồng và khó chăm sóc, nếu không được tưới theo chu kỳ và chăm sóc thường xuyên rất dễ chết. Cơn khủng hoảng hồi năm 2015 khiến nhiều người bỏ bê mảng tiêu. Tính đến cuối năm 2023, sản lượng tiêu cả nước đạt khoảng 170.000 tấn và năm 2024 giảm còn khoảng 160.000 tấn, tức là giảm mạnh so với thời đỉnh cao 300.000 tấn năm 2015.
Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng cung cầu đang là nguyên nhân chính khiến giá tiêu tăng nhanh. Việt Nam, Indonesia và Brazil dự báo đều giảm sản lượng mùa vụ vì ảnh hưởng bởi El Nino. Trong khi đó, ngoài Mỹ, các thị trường Pakistan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ nhu cầu dự trữ cao.
Ngoài ra, gần đây giao dịch hàng hóa của các nhà đầu cơ tăng cao, có thể họ đã gom hàng và tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo. Ông Thông cho rằng người dân nên cẩn trọng và bán ra vào thời điểm hợp lý. Bởi lẽ, giá tiêu có thể lặp lại kịch bản của năm 2015, tăng lên đỉnh và lao dốc liên tục về giá 35.000 đồng một kg vào năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5, giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD một tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước. Hạt tiêu cùng với gạo và cà phê là những mặt hàng có giá xuất khẩu tăng cao nhất.
Ngành hạt tiêu Việt Nam chiếm 40% sản lượng và chiếm 60% thị phần thế giới. Theo Hiệp hội Hạt tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), quy mô thị trường hạt tiêu toàn cầu có giá trị khoảng 5,4 tỷ USD và dự báo đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% giai đoạn 2024- 2032.
Tính hết năm 2023, Mỹ là khách hàng lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, chiếm 14,1%; tiếp sau là Ấn Độ và Đức lần lượt chiếm 5,4% và 4,3% trong tổng giá trị xuất khẩu tiêu.