|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu hôm nay 5/12: Tiếp tục ổn định, cao su biến động trái chiều

07:03 | 05/12/2022
Chia sẻ
Giá tiêu hôm nay (5/12) neo trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg, với mức cao nhất là tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong phiên sáng nay, giá cao su kỳ hạn trên Sàn TOCOM và SHFE biến động không đồng nhất dưới 1%.

Xem thêm: Giá tiêu hôm nay 6/12

Cập nhật giá tiêu

Giá tiêu trong nước

Theo khảo sát, giá tiêu tiếp tục đi ngang tại các tỉnh trọng điểm trong nước.

Trong đó, mức giá thấp nhất là 60.000 đồng/kg được ghi nhận tại hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai.

Tiếp đến là hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với chung mức giá 61.000 đồng/kg, Bình Phước với mức 62.000 đồng/kg

Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng ổn định tại mức 63.000 đồng/kg - cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Tỉnh/huyện (khu vực khảo sát)

Giá thu mua (Đơn vị: VNĐ/kg)

Thay đổi so với hôm qua (Đơn vị: VNĐ/kg)

Đắk Lắk

61.000

-

Gia Lai

60.000

-

Đắk Nông

61.000

-

Bà Rịa - Vũng Tàu

63.000

-

Bình Phước

62.000

-

Đồng Nai

60.000

-

 

 

Giá tiêu thế giới

Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 2/12 (theo giờ địa phương), giá tiêu thế giới so với ngày 1/12 như sau:

- Tiêu đen Lampung (Indonesia): ở mức 3.852 USD/tấn, tăng 1,19%

- Tiêu đen Brazil ASTA 570: ở mức 2.625 USD/tấn, không đổi

- Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA: ở mức 5.100 USD/tấn, không đổi

Tên loại

Bảng giá tiêu đen thế giới (ĐVT: USD/tấn)

Ngày 1/12

Ngày 2/12

% thay đổi

Tiêu đen Lampung (Indonesia)

3.806

3.852

1,19

Tiêu đen Brazil ASTA 570

2.625

2.625

0

Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA

5.100

5.100

0

- Tiêu trắng Muntok: ở mức 6.068 USD/tấn, tăng 1,2%

- Tiêu trắng Malaysia ASTA: ở mức 7.300 USD/tấn, không đổi

Tên loại

Bảng giá tiêu trắng thế giới (ĐVT: USD/tấn)

Ngày 1/12

Ngày 2/12

% thay đổi

Tiêu trắng Muntok

5.995

6.068

1,2

Tiêu trắng Malaysia ASTA

7.300

7.300

0

Theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), xuất khẩu tiêu của Brazil trong tháng 10 đã tăng tháng thứ ba liên tiếp lên mức 9.870 tấn.

Như vậy, tính đến hết tháng 9, xuất khẩu tiêu của nước này đạt 69.586 tấn, trị giá 261,9 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 3% về lượng nhưng tăng 16,8% về trị giá. 

Về giá xuất khẩu, với nguồn cung dồi dào do đang trong vụ thu hoạch lớn nhất năm, giá tiêu xuất khẩu của Brazil trong tháng 10 vừa qua đã giảm xuống chỉ còn bình quân 3.177 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021.

So với tháng trước đó, mức giá này đã giảm khoảng 3%, còn so với cùng kỳ giảm 21%. Trong đó, giá tiêu xuất khẩu sang Việt Nam ở mức 3.065 USD/tấn, giảm 5,4% so với tháng 9.

Trên thị trường thế giới, giá tiêu Brazil đang được chào bán ở mức 2.575 USD/tấn, giảm so với 2.600 USD/tấn trước đó và thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh khác như Việt Nam hay Indonesia. 

Thị trường xuất khẩu tiêu của Brazil trong năm nay có khá nhiều biến động. Việt Nam trở thành nước nhập khẩu tiêu lớn nhất của Brazil trong 10 tháng qua với khối lượng lên đến 15.650 tấn, trị giá 55,6 triệu USD, tăng hơn ba lần về lượng và 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lượng tiêu nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam từ Brazil. 

Ảnh: Thảo Vy

Cập nhật giá cao su

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su kỳ hạn giao tháng 12/2022 đạt mức 214,3 yen/kg, giảm 0,65% (tương đương 1,4 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h (giờ Việt Nam).

Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2023 được điều chỉnh lên mức 12.905 nhân dân tệ/tấn, tăng 0,58% (tương đương 75 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.

Từ lâu, những người trồng cao su quy mô nhỏ ở Central Travancore (Kerala, Ấn Độ) đã phải phụ thuộc vào các nhà sản xuất lốp xe và các ngành công nghiệp cao cấp tương tự để có thu nhập khá, theo The Hindu.

Trong bối cảnh giá cao su giảm và phải vật lộn để trang trải chi phí, những người trồng tại khu vực này hiện đang có xu hướng chuyển sang kinh doanh.

Nhằm trao quyền cho những người trồng cao su riêng lẻ và đảm bảo thu nhập, nông dân thuộc khoảng 25 Hiệp hội Các nhà sản xuất cao su (RPS) trong khu vực hiện đang thâm nhập vào ngành cao su. Trong đó, Rubfarm Producers Company Ltd sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 3 năm sau với việc sản xuất một số sản phẩm không phải lốp xe.

Theo Jacob Mathew, Chủ tịch của Rubfarm, dự án lấy ý tưởng từ kế hoạch của chính phủ liên hiệp nhằm có 10.000 tổ chức sản xuất nông dân trong nước.

Ông chia sẻ: “Đầu tiên, chúng tôi sẽ thu hút các cụm nông dân sản xuất các sản phẩm cấp thấp khác nhau để đầu tư ít hơn và có thời gian củng cố. Về lâu dài, chúng tôi sẽ chuyển sang một số cơ sở chung, có thể là cơ sở Kerala Rubber Limited sắp tới tại Velloor”.

Bên cạnh cổ phần, công ty cũng sẽ vay ngân hàng để hình thành vốn và đã tham khảo ý kiến ​​​​của Ngân hàng Thế giới để được hỗ trợ. Cùng với cổ tức hàng năm, công ty cũng sẽ chia tiền thưởng bảo trợ cho các cổ đông cung cấp mủ.

Ông nói thêm: “Mặc dù hiện tại chỉ có nông dân được coi là thành viên cá nhân, nhưng chúng tôi cũng mong muốn tăng số lượng cổ đông trong thời gian tới và RPS sau này cũng có thể trở thành thành viên tổ chức”.

Các nguồn tin chính thức cho biết, những người trồng quy mô nhỏ tại 21 vùng ở Kerala thuộc Hội đồng Cao su (Rubber Board) cũng hướng tới mục tiêu thành lập các công ty tương tự để các nhà sản xuất có tiếng nói trong việc quyết định biến động giá cao su.

Giá cao su tự nhiên giảm mạnh, đặc biệt là mủ cao su, do nhu cầu yếu từ ngành công nghiệp trong nước đã khiến những người trồng phải đối mặt với một tương lai dễ bị tổn thương, buộc khoảng 40% trong số họ phải ngừng sản xuất.

Theo họ, sáng kiến ​​này đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hỗ trợ tài chính từ Ban Quản lý Cao su cho người trồng giảm dần.

Nhận xét về sáng kiến, ông KN Raghavan, Chủ tịch điều hành Rubber Board, cho biết, động thái này sẽ giúp mang lại cách tiếp cận chuyên nghiệp hướng đến lợi nhuận trong hoạt động của các RPS.

Thảo Vy