Giá tiêu hôm nay 31/3: Thị trường hồ tiêu chủ yếu đi ngang trong tuần qua
Cập nhật giá tiêu trong nước
Giá tiêu tuần này đi ngang, tuy nhiên, giá có xu hướng giảm vào cuối tuần. So với đầu tuần, giá thu mua tại một số tỉnh trọng điểm giảm 500 - 1.000 đồng/kg.
Qua khảo sát, hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai cùng giảm 500 đồng về mốc 92.000 đồng/kg.
Sau khi giảm 1.000 đồng/kg, thương lái tại Đắk Lắk và Đắk Nông cùng thu mua hồ tiêu với giá cao nhất là 95.000 đồng/kg.
Cùng mức giảm trên, hai tỉnh Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh giao dịch xuống còn 94.000 đồng/kg và 94.500 đồng/kg.
Cập nhật thông tin hồ tiêu
Nắng hạn kéo dài, cùng với nhiều loại bệnh khiến năng suất hồ tiêu của Kiên Giang giảm mạnh, nông dân kém vui vì cây tiêu thất mùa.
Giá hồ tiêu đang tăng bật trở lại sau thời gian dài ở mức thấp, hiện thương lái thu mua tại vườn từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, tăng gần 50.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2023. Tuy giá tăng nhưng nhiều hộ dân trồng tiêu ở Kiên Giang vẫn kém vui do cây tiêu năm nay thất mùa, năng suất thu hoạch đạt thấp.
Ông Thạch Nát, một hộ trồng hồ tiêu lâu năm ở TP Hà Tiên cho biết: “Mỗi trụ trồng tiêu nếu thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch từ 800g đến 1kg. Tuy nhiên năm nay thu hoạch chỉ đạt chưa tới 500g/trụ. Nguyên nhân do nắng hạn kéo dài, thiếu nước tưới nên cây tiêu kém phát triển, ít đậu trái”.
Là chủ cơ sở thu mua, chế biến hồ tiêu ở xã ngoại thành TP Hà Tiên, ông Ngô Hoàng Dũ cho biết: “Hiện đã vào vụ thu hoạch nhưng mỗi ngày cơ sở chỉ thu mua được vài chục kg tiêu nguyên liệu. Do năm nay tiêu thất mùa nên nông dân thu hoạch đạt năng suất thấp. Hơn nữa, do giá hồ tiêu đang tăng nên có những hộ chưa vội bán ngay mà neo lại chờ giá”.
Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện toàn tỉnh chỉ còn khoảng 384 ha trồng hồ tiêu, rải rác ở các huyện Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, Kiên Lương, Kiên Hải, TP Hà Tiên và Phú Quốc, theo báo Nông Nghiệp Việt Nam.
Thời gian qua, do giá hồ tiêu ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào lại tăng, càng trồng càng thua lỗ nên nông dân phá bỏ vườn tiêu chuyển sang cây trồng khác. Ngoài ra, nhiều vườn tiêu ở Gò Quao, Giồng Riềng, Phú Quốc bị nhiễm bệnh, phổ biến là bệnh chết chậm, chết nhanh, tiêu điên, tuyến trùng với tổng diện tích hơn 26ha, gây ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.