Giá tiêu hôm nay 14/3: Giảm nhẹ 500 đồng/kg; giá cao su biến động không đồng nhất
Cập nhật giá tiêu
Xem thêm: Giá tiêu hôm nay 15/3
Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay được ghi nhận trong khoảng 77.500 - 81.000 đồng/kg.
Trong đó, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông cùng giảm 500 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Hiện tại, Gia Lai đang thu mua với giá thấp nhất là 77.500 đồng/kg, hai địa phương còn lại cùng có mức giá 79.000 đồng/kg.
Các tỉnh còn lại không chứng kiến thay đổi mới về giá. Đồng Nai hiện vẫn giao dịch ổn định tại mức 78.500 đồng/kg.
Tương tự, giá tiêu hôm nay tại Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu không đổi ở mức tương ứng là 80.000 đồng/kg và 81.000 đồng/kg.
Tỉnh/huyện (khu vực khảo sát) | Giá thu mua (Đơn vị: VNĐ/kg) | Thay đổi so với hôm qua (Đơn vị: VNĐ/kg) |
Đắk Lắk | 79.000 | -500 |
Gia Lai | 77.500 | -500 |
Đắk Nông | 79.000 | -500 |
Bà Rịa - Vũng Tàu | 81.000 | - |
Bình Phước | 80.000 | - |
Đồng Nai | 78.500 | - |
Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Global Market Insights Inc., thị trường hạt tiêu đen ước đạt 2,45 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt mức định giá khoảng 3,25 USD tỷ vào năm 2027, theo trang Globe Newswire.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) của thị trường này được dự đoán là 3,5% trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2027.
Hạt tiêu đen được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc để điều trị các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và hô hấp do nhiễm virus, chẳng hạn như chứng khó tiêu mãn tính, hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và sốt.
Quá trình nâng cao nhận thức về lợi ích sức khỏe của hạt tiêu đen được cho là sẽ hỗ trợ tăng trưởng thị trường trong giai đoạn dự báo nêu trên.
Trong đó, hạt tiêu đen Lampang có hương thơm từ cây thông và cam quýt, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như đặc tính chống ung thư, hỗ trợ tiêu hóa tốt và giảm cân.
Những đặc tính có lợi này đã thúc đẩy nhu cầu sản phẩm một cách đáng kể. Quy mô thị trường tiêu đen từ phân khúc sản phẩm tiêu đen Lampang được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR trên 2,5% trong giai đoạn ước tính.
Cập nhật giá cao su
Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao kỳ hạn tháng 3/2022 ghi nhận mức 246,9 yen/kg, tăng 1,06% (tương đương 2,6 yen/kg) tại thời điểm khảo sát vào lúc 8h (giờ Việt Nam).
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2022 được điều chỉnh xuống mức 13.580 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,98% (tương đương 135 nhân dân tệ) so với giao dịch trước đó.
Đối mặt với giá nguyên liệu thô tăng vọt, Hiệp hội Công nghiệp Cao su Toàn Ấn Độ (AIRIA) - đại diện cho các đơn vị sản xuất nhỏ và siêu nhỏ, đã kêu gọi chính phủ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất cao su.
Cụ thể, cơ quan thương mại với khoảng 1.200 thành viên có kim ngạch hàng năm trong khoảng 1 - 50 rupee crore này đã thúc giục chính phủ xem xét loại bỏ thuế chống bán phá giá đối với cao su tổng hợp.
Ông Shashi Kumar Singh, Phó Chủ tịch cấp cao của AIRIA cho biết, giá cao su tổng hợp EPDM đã tăng gấp 4 lần lên 4.000 USD/tấn từ khoảng 1.000 USD - 1.200/tấn trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Ông cho biết thêm, giá muội than đã tăng gấp đôi từ 60 rupee/kg lên 120 rupee/kg, gây áp lên lên tỷ suất lợi nhuận của các đơn vị sản xuất cao su.
Mong muốn của các nhà sản xuất cao su tại Ấn Độ ngay lúc này là nhận được mức thuế nhập khẩu tối thiểu hoặc miễn thuế cao su tổng hợp được nhập khẩu từ các quốc gia khác, theo trang Goa Chronicle.