Giá tiêu đầu tháng 8 quay đầu tăng nhẹ
Đầu tháng 8, giá hạt tiêu trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất, giảm tại Indonesia, ổn định tại Malaysia và Trung Quốc, tăng tại Ấn Độ và Việt Nam.
Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 10/8 giá hạt tiêu đen xuất khẩu giao dịch ở mức ở mức 3.800 USD/tấn, ổn định so với ngày 30/7; hạt tiêu trắng ổn định ở mức 5.000 USD/tấn.
Tại cảng Hà Khẩu, Trung Quốc, ngày 7/8 giá hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định so với ngày 30/7, giao dịch ở mức 4.285 USD/tấn.
Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 10/8 giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 6,5% so với ngày 30/7, xuống còn 2.482 USD/tấn.
Ngược lại, giá xuất khẩu hạt tiêu trắng tại cảng Muntok tăng 2,2% so với ngày 30/7, lên mức 4.114 USD/tấn.
Tại cảng Kochi (Ấn Độ), ngày 7/8 giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 0,4% so với ngày 30/7, lên mức 4.416 USD/tấn.
Tại cảng khu vực TP HCM, Việt Nam, ngày 10/8, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu tăng lần lượt 2,1% và 2% so với ngày 30/7, lên mức 2.430 USD/tấn và 2.511 USD/tấn.
Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 1,3% so với ngày 30/7, lên mức 3.950 USD/tấn.
Hiện Indonesia đã bước vào vụ thu hoạch hạt tiêu, nhưng sản lượng dự báo giảm do thời tiết không thuận lợi.
Thông tin sản lượng hạt tiêu của Indonesia giảm sẽ hỗ trợ giá hạt tiêu trong thời gian tới. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá sẽ không mạnh do nhu cầu tiêu thụ vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19.
Ngày 10/8, giá hạt tiêu đen tại thị trường trong nước tăng từ 2,1 – 4,4% so với ngày 30/7.
Mức tăng cao nhất 4,4% tại huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai và tỉnh Đồng Nai, lên mức 47.000 đồng/kg; mức tăng thấp nhất là 2,1% tại tỉnh Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu, lên mức 48.000 – 49.500 đồng/kg.
Giá hạt tiêu trắng ở mức 66.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg (tương đương tăng 1,5%) so với cuối tháng 7, nhưng vẫn thấp hơn so với mức 69.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2019.
Theo Bộ NN&PTNT, trong các tháng tới sức mua được dự báo sẽ giảm từ thị trường châu Âu và Mỹ trước làn sóng COVID-19 thứ 2 tại các thị trường này.
Thêm vào đó, thảm họa thiên tai tại Trung Quốc, một trong các thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn của Việt Nam, sẽ tác động đến nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của quốc gia này trong giai đoạn ngắn hạn.
Bộ NN&PTNT khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu cần lựa chọn các biện pháp thực thi và thanh toán hợp đồng nhằm giảm thiểu rủi ro, hạn chế các phát sinh thương mại quốc tế.
Về sản xuất, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng kỳ vọng không ảnh hưởng đến quá trình cây ra bông. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay là diện tích trồng giảm do nông dân ít đầu tư vào canh tác và trồng xen với cây ăn trái và rau quả được xem là phương án khả thi.