|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thịt heo biến động: Nguồn cung có bị doanh nghiệp lớn thao túng?

07:53 | 23/11/2019
Chia sẻ
Hà Nội yêu cầu Cục Quản lí thị trường và Sở Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bán theo giá niêm yết, xử lí nghiêm tình trạng găm hàng, đầu cơ để trục lợi.
Giá thịt heo biến động: Nguồn cung có bị doanh nghiệp lớn thao túng? - Ảnh 1.

Thành phố Hà Nội đã lên phương án đáp ứng đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nguồn hàng dự trữ phục vụ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý đã được các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy vậy, nguyên nhân giá thịt lợn biến động trong thời gian gần đây cần được làm rõ để có giải pháp kịp thời bình ổn thị trường.

Đây là ý kiến được nêu ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải làm trưởng đoàn với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về công tác đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Liệu có đầu cơ trục lợi?

Là đơn vị sản xuất thịt lợn tươi sống, mỗi tháng cung cấp cho Hà Nội khoảng 300 tấn thịt lợn, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thực phẩm chế biến Nam Hà Nội chia sẻ để chuẩn bị cho dịp Tết năm nay, công ty đã ký với các nhà cung ứng, nhất là tập đoàn Hòa Phát để đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho thị trường.

Dự báo trong dịp Tết Nguyên đán, sản lượng mà doanh nghiệp này chuẩn bị phục vụ cho Hà Nội sẽ tăng gấp 1,5 lần so với các tháng bình thường. Với nguồn cung như vậy, ông Dũng khẳng định sẽ đáp ứng đủ theo hợp đồng cho các đơn vị mua hàng và siêu thị trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này băn khoăn về việc biến động giá lợn trong thời gian gần đây mà theo kinh nghiệm của ông thì các tiểu thương khó có thể đẩy giá lên để trục lợi.

Đặt câu hỏi liệu các nhà chăn nuôi lớn có làm giá? Ông đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để làm rõ nguyên nhân và từ đó có biện pháp điều tiết giá, bình ổn thị trường.

“Trong cuộc họp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ điều hành mới đây, sau thông điệp cho nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt lập tức giá chững lại,” đại diện Công ty thực phẩm chế biến Nam Hà Nội dẫn chứng.

Để bình ổn thị trường, ông cũng kiến nghị các cơ quan chức năng siết chặt việc kiểm soát nguồn hàng, tránh để lợn trong nước thẩm lậu sang nước ngoài, siết chặt việc giết mổ để kiểm soát chất lượng, không để dịch bệnh lây lan ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thịt lợn tăng lên 22.300 tấn/tháng. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi lan rộng khiến nguồn cung giảm sút mạnh.

Còn thống kê của ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Hà Nội thiếu khoảng gần 3.500 tấn thịt lợn. Song, ông Tuấn khẳng định đơn vị này đã tham mưu cho lãnh đạo ngành để phối hợp với các cơ quan chức năng có giải pháp đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường.

Giá thịt heo biến động: Nguồn cung có bị doanh nghiệp lớn thao túng? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị về hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đã có phương án bù đắp

Liên quan đến công tác chuẩn bị hàng hóa dịp Tết, theo Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, trong tháng 11/2019, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành triển khai kết nối cung cầu hàng hóa với 62 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa, các sản phẩm đặc sản của các địa phương về thị trường Hà Nội.

Riêng mặt hàng thịt lợn, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại tổng đàn lợn trên địa bàn để xác định đúng lượng cung. 

Thông qua đó, Sở Công Thương phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đưa thịt lợn về thành phố, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trước những biến động về giá, ông Toản yêu cầu Cục Quản lý thị trường và Sở Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bán theo giá niêm yết, xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đầu cơ để trục lợi.

“Tại hội nghị kết nối cung cầu mới đây, các doanh nghiệp đã khẳng định không thiếu hàng chỉ lo khâu tổ chức phân phối không tốt,” ông Toản cho hay.

Đồng tình với các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị các cơ quan chức năng theo sát biến động của giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu để từ đó có giải pháp kịp thời trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

"Bộ Công Thương đã làm việc với Ủy ban nhân dân một số địa phương lớn về kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý, trong đó có nội dung về bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Thống kê cho thấy, nguồn hàng hóa phục vụ Tết Canh Tý 2020 của Hà Nội ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội đã vận động các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến.

Hiện có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đã đăng ký, dự trữ lương thực thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường trong hai tháng Tết với tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng. 

Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng trung bình 6% đến 7% so với kế hoạch Tết 2019.

- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói về hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý:

 

Đức Duy