|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thép Trung Quốc tăng 26% trong vòng 3 tháng: Kỳ vọng sự hồi sinh của các công ty thép mạnh mẽ sau đại dịch

17:56 | 09/02/2023
Chia sẻ
Các nhà máy thép của Trung Quốc đang quay trở lại “đường đua” trong bối cảnh thị trường dần phục hồi sau khi nước này mở cửa trở lại. Giá thép cũng đang tăng và thị trường lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nhiều biện pháp cũng được đưa ra nhằm khôi phục ngành bất động sản, từ đó nhu cầu thép cũng sẽ tăng lên.

Giá thép tăng trở lại sau khi Trung Quốc mở cửa kinh tế sau đại dịch 

Theo Bloomberg, giá thép giao sau tại Thượng Hải tăng 26% trong 3 tháng trở lại đây trong bối cảnh thị trường kỳ vọng lượng tiêu thụ sẽ tăng lên sau khi chính phủ xoá bỏ chính sách Zero Covid. Đây được xem là cái “thở phào” của ngành công nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới sau một năm doanh thu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng bởi đại dịch. 

 Giá thép thanh tại Trung Quốc tăng nhanh chóng (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn, nguồn: Bloomberg)

Trung Quốc hiện đang tập trung vào việc thúc đẩy nền kinh tế khổng lồ của mình, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình trong tuần này kêu gọi thúc đẩy tiêu dùng và mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn về sức mạnh của sự phục hồi và mức độ hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ.

Ông Atilla Widnell, giám đốc điều hành tại công ty Navigate Commodities (Singapore), nhận định: “Có một chút nghi ngờ rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ mang lại lợi ích cho tiêu thụ thép trong nước vào năm 2023 so với mức đáng thất vọng vào năm ngoái”.

2022 là năm “đáng để quên” đối với ngành thép Trung Quốc khi doanh thu của 17 công ty thép hàng đầu nước này ở mức thấp nhất kể từ năm 2016, theo dữ liệu của Bloomberg. Gần một nửa trong số này ghi nhận lỗ sau thuế. Trong đó Angang Steel, một trong những công ty thép lớn nhất Trung Quốc, báo cáo thu nhập ròng giảm mạnh 98% so với một năm trước đó.

Triển vọng phục hồi của các công ty thép Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều vào tính hiệu quả của những chính sách phục hồi nền kinh tế thông qua việc hỗ trợ ngành bất động sản và gia tăng niềm tin của người tiêu dùng.

“Các chính sách hỗ trợ kinh tế ít nhiều sẽ có tác động tích cực đối với ngành thép. Tuy nhiên, điều tôi thắc mắc liệu rằng thị trường sẽ chứng kiến một cú bật tăng mạnh của giá thép hay không?”, ông Liu Liangxu, quản lý quỹ thuộc công ty quản lý tài sản Guangdong Ronghao Asset Management cho biết. Vị này tỏ ra không chắc chắn liệu ngành bất động sản sẽ phục hồi mạnh trong năm nay.

Ngoài ra, ông Widnell cho biết chi phí sản xuất thép tăng cao cũng sẽ bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp thép. Giá quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên đã tăng khoảng 40% và tăng 60% tại Singapore kể từ tháng 11 năm ngoái. 

Chính quyền lo ngại đà tăng giá của quặng sắt

Theo trang The Sydney Morning Herald, việc giá quặng sắt thời gian gần đây tăng mạnh buộc chính quyền Trung Quốc vào cuộc nhằm ngăn chặn hoạt động đầu cơ. 

Hồi tháng 1, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), cơ quan lập kế hoạch kinh tế chủ chốt của nước này, cho biết họ sẽ “theo dõi chặt chẽ” đến những thay đổi trên thị trường quặng sắt.

Cơ quan này cho biết họ sẽ làm việc với các bộ phận liên quan để “xử lý nghiêm khắc các hoạt động bất hợp pháp như bịa đặt, lan truyền thông tin giả về giá, tích trữ và lừa đảo, nhằm đảm bảo hoạt động trơn tru của thị trường quặng sắt”.

Năm ngoái, Trung Quốc, chiếm khoảng 70% thương mại quặng sắt trên biển của thế giới và sản xuất khoảng 1,11 tỷ tấn thép, giảm khoảng 1,5% so với mức của năm 2021. 

Chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh kèm theo bất kỳ sự phục hồi nào trong lĩnh vực bất động sản sẽ nhanh chóng dẫn đến nhu cầu quặng sắt của các nhà máy thép Trung Quốc cao hơn, do đó làm tăng giá.

Năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản (CMRG), để đàm phán mua quặng sắt thay mặt cho khoảng 20 nhà sản xuất thép lớn nhất của cả nước. 

Việc thành lập CMRG nhằm tăng sức mạnh đàm phán khi mua quặng sắt. CMRG sẽ hoạt động như một bộ phận duy nhất, hợp nhất việc mua hàng của các nhà máy và cố gắng sử dụng sức mua của mình làm đòn bẩy.

Công ty này còn là đơn vị quản lý dự án khai thác mỏ quặng sắt khổng lồ Simandou tại Guinea. Trữ lượng quặng sắt tại mỏ này ước tính khoảng 100 triệu tấn. 

H.Mĩ