|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá thép tiếp tục đi xuống, lợi nhuận doanh nghiệp khó đạt được như kỳ vọng

16:44 | 18/07/2022
Chia sẻ
Kể từ ngày 11/5, giá thép xây dựng trong nước đã có 9 đợt giảm liên tiếp. CTCK SSI nhận định giá thép đi xuống và xuất khẩu chững lại là những yếu tố khiến lợi nhuận doanh nghiệp khó đạt như kỳ vọng.

Ngày 17/7, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồng loạt hạ 100.000 - 250.000 đồng/tấn giá các sản phẩm thép, hiện giá thép xây dựng đang ở mức 15,8 - 16,7 triệu đồng/tấn. Đợt điều chỉnh này là lần giảm thứ 9 liên tiếp từ ngày 11/5, theo số liệu của Steel Online.

Theo đó, thương hiệu Hòa Phát ở cả ba miền điều chỉnh giảm 250.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và hạ 100.000 – 150.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 15,9 triệu đồng/tấn và 16,5 triệu đồng/tấn. 

 (Nguồn: Steel Online)

Tương tự, thép Việt Ý khu vực miền Bắc cũng giảm lần lượt 250.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, xuống còn 15,9 triệu đồng/tấn và 16,3 triệu đồng/tấn.

Còn thép Việt Đức khu vực miền Trung điều chỉnh xuống 200.000 đồng/tấn với thép CB240 và 150.000 đồng/tấn với thép D10 CB300, hiện giá hai loại thép lần lượt ở mức 15,8 triệu đồng/tấn và 16,3 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép miền Nam cũng giảm 250.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 16,2 triệu đồng/tấn và hạ 200.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 còn 16,7 triệu đồng/tấn.

 (Nguồn: Steel Online) 

Công ty chứng khoán SSI cho biết 5 tháng đầu năm, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và thép ống) trong tháng 4 và tháng 5 đã lao dốc 32%.

SSI nhận định nhu cầu yếu hơn do sự kết hợp của ba yếu tố: giá thép cao, cùng với sự gia tăng của các chi phí vật liệu xây dựng khác khiến hoạt động xây dựng bị đình trệ; lo ngại về việc giá thép tạo đỉnh, khiến các nhà phân phối tạm dừng việc dự trữ hàng tồn kho và các chính sách quản lý siết chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Tương tự như tiêu thụ thép trong nước, SSI cho rằng xuất khẩu thép trong quý tới có khả năng giảm tốc do nhu cầu chậm lại trước lo ngại giá thép đi xuống và các biện pháp bảo hộ từ các thị trường xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu ảm đạm và giá thép suy yếu là những yếu tố khiến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép như Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim có thể đi xuống trong năm 2022.

SSI điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) từ 176.000 tỷ đồng và 31.100 tỷ đồng xuống 160.000 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2021 và 26.500  tỷ đồng, giảm 23,1%.

Còn với với Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), SSI cho rằng lợi nhuận sau thuế năm 2022 của doanh nghiệp này khoảng 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, mặc dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. 

Tương tự, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của CTCP Thép Nam Kim được dự báo giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn 1.350 tỷ đồng. 

Hoàng Anh