Giá thép cuộn cán nóng tại Châu Âu tăng tới 40% chỉ trong vòng 3 tuần
Theo Reuters, giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại EU tăng tới gần 40% trong vòng 3 tuần trở lại đây. Trong khi đó, tại Mỹ và Trung Quốc mới chỉ tăng khoảng 7 - 8%.
“Nhìn vào diễn biến thị trường hiện tại, giá thép chắc chắn sẽ còn tăng trong ngắn hạn. Chúng tôi dự báo đà tăng sẽ kéo dài sang tháng 4. Nguồn cung tại EU đang bị gián đoạn nghiêm trọng và cần thời gian khá lâu mới có thể giải quyết”, chuyên gia phân tích Kaye Ayub tại công ty tư vấn MEPS International nhận định.
Nga và Ukraine phát triển ngành thép dựa trên hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường Châu Âu.
“Tại Châu Âu, giá năng lượng tăng cao đang là vấn đề lớn đối với các nhà máy sản xuất thép. Trong khi đó, thị trường đang bị thắt chặt vì mất đi 20% lượng thép thành phẩm nhập khẩu từ Nga và Ukraine”, nhà phân tích Andrew Jones của UBS nhận định.
Mặc dù các quốc gia phương Tây không nhắm mục tiêu cụ thể vào các công ty thép của Nga bằng lệnh trừng phạt, nhưng các vấn đề logistics và tác động trực tiếp của lệnh trừng phạt đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và vận chuyến các đơn hàng.
Ngoài lo ngại mất nguồn cung từ Nga và Ukraine, châu Âu cũng đang phải đối mặt với việc giá năng lượng tăng vọt do xung đột.
Ngành thép của châu lục này đã phải vật lộn với chi phí năng lượng cao khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2. Giá khí đốt, dầu mỏ tăng kéo theo giá điện cũng tăng theo.
Thép sản xuất từ lò hồ quang điện chiếm hơn 40% tổng sản lượng của Châu Âu, cao hơn so với các khu vực khác.
Sau khi xung đột nổ ra, các nhà sản xuất thép ở Tây Ban Nha như ArcelorMittal MT.AS và nhà sản xuất thép không gỉ Acerinox ACX.MC đã cắt giảm sản lượng, trong khi Lech-Stahlwerke của Đức ngừng sản xuất ở Bavaria.
Theo nhà phân tích Michael Widmer của Bank of America, tác động đầy đủ của cuộc xung đột vẫn chưa được thể hiện trong dữ liệu sản xuất, nhưng sản lượng thép của châu Âu trong tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2009.
Trong tháng 2, sản lượng thép thô của EU giảm 2,2% so với tháng trước và các nơi khác ở Châu Âu giảm 4,8%, dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới.
Thép Việt Nam được hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine?
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VBCS) nhận định khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo tháng từ ngày 24/2, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (bao gồm Metinvest và ArcelorMittal) đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận.
Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất xuất khẩu thép từ các thị trường khác, tiêu biểu như CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) với tăng trưởng doanh thu trong năm 2021 chủ yếu đến từ xuất khẩu sang thị trường EU.
Giá bán thép và giá thành sản xuất thép cũng sẽ tăng do giá các mặt hàng năng lượng tăng cao. Hiện, Nga cũng là nước xuất khẩu các mặt hàng năng lượng quan trọng trên thế giới.
Giá dầu, giá khí và giá than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021, điều này khiến cho giá thành sản xuất thép tăng trở lại.
Ngoài ra, nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ làm thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng cho Châu Âu.
Việc giá thép quay trở lại sẽ giúp các nước có chi phí sản xuất thép thấp như Việt Nam được hưởng lợi, và giá thép tăng sẽ giúp các doanh nghiệp Nam Kim, Hoa Sen và CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) hưởng lợi.
VCBS đánh giá cao khả năng các doanh nghiệp Nam Kim, Hoa Sen và Hòa Phát có thể tiếp tục duy trì được quy mô doanh thu và lợi nhuận sang năm 2022 dựa trên việc giá thép đang quay trở lại với nguyên nhân chính đến từ xung đột giữa Nga và Ukraine.
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới.