Giá sắt thép nhập khẩu đang tăng rất mạnh
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập hơn 4,3 triệu tấn sắt thép, tổng kim ngạch nhập khẩu đã tăng lên 2,25 tỷ USD. Đơn giá bình quân 523 USD/tấn (12 triệu đồng/tấn). Giá trị nhập khẩu trung bình khoảng 25 triệu USD/ngày (khoảng 570 triệu đồng).
Dù lượng nhập sắt thép giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá sắt thép nhập khẩu đã và đang có xu hướng tăng khá mạnh. Cụ thể, tháng 3/2016, cả nước nhập khẩu 1,9 triệu tấn sắt thép, tổng giá trị chỉ đạt 696 triệu USD (đơn giá bình quân 366 USD/tấn). Tuy nhiên, trong tháng 3/2017, cả nước chỉ nhập hơn 1,6 triệu, nhưng tổng giá trị đạt 900 triệu USD, (đơn giá 562,5 USD/tấn). Giá sắt thép tăng gần 200 USD/mỗi tấn.
Giá sắt thép nhập khẩu qua 1 năm tăng khá mạnh khoảng 200 USD mỗi tấn. Nguồn: Dân Trí. |
So sánh về tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu quý I/2017 và quý I/2016, dù lượng nhập giảm, nhưng giá sắt thép nhập về Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể, hết tháng 3/2016 cả nước nhập hơn 4,7 triệu tấn sắt thép, kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD, đơn giá bình quân là 361 USD/tấn (8,2 triệu đồng/tấn).
Như vậy, chỉ sau 1 năm, giá sắt thép nhập khẩu bình quân gần 4 triệu đồng/tấn. So với giá sắt thép cuối năm 2016 là khoảng 437 USD/tấn, giá sắt thép 3 tháng đầu năm đã tăng gần 100 USD/tấn.
Theo lý giải của Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép nhập khẩu tăng mạnh trở lại thời gian gần đây là do giá phôi thép, thép xây dựng thế giới có xu hướng nhích lên. Trong khi đó, do ảnh hưởng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 2 lần tăng lãi suất đồng USD trong 3 tháng qua, khiến giá thành sắt thép nhập khẩu cũng tăng trở lại.
Trên thực tế, hiện 3/4 lượng sắt thép nhập khẩu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, thời gian qua một lượng lớn sắt thép giá rẻ của nước này đã nhập vào Việt Nam số lượng lớn khiến ngành sản xuất thép trong nước điêu đứng. Theo nhiều nhận định của các chuyên gia, sắp tới giá sắt thép trong nước và nhập khẩu có thể tăng lên do chi phí và lãi suất tăng. Đồng thời, cũng do ảnh hưởng của thuế tự vệ vừa được Bộ Công Thương áp dụng với hàng nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
Cụ thể, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1105 về áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Theo đó từ giữa tháng 4/2017, thép mạ nhập từ Trung Quốc sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá thấp nhất là 3,17% và cao nhất 38,34% khi vào Việt Nam. Tương tự, chủng loại nhập từ Hàn Quốc bị áp thuế từ 7,02 - 19%. Loại thuế này sẽ được áp dụng kéo dài trong vòng 5 năm tới, mới được xem xét bãi bỏ.