|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón xuất khẩu đi xuống 20% so với đầu năm, đà giảm có thể kéo dài?

08:03 | 19/09/2022
Chia sẻ
Trong tháng 8, giá xuất khẩu phân bón đã giảm 20% so với đầu năm, xuống còn 598 USD/tấn. VDSC dự báo giá phân bón khó tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trên thế giớ yếu, đặc biệt là ure có thể sẽ đi ngang và giảm dần sang năm 2023.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của nước ta trong tháng 8 đạt 118 nghìn tấn, tương đương 70,5 triệu USD, tăng 5% về lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với tháng 6.

Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt 1,2 triệu tấn với kim ngạch gần 792 triệu USD, tăng 41% về lượng và gấp gần 2,7 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy sau 8 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt 42% kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Trong tháng 8 giá xuất khẩu phân bón đã giảm mạnh 69 USD/tấn so với tháng 7 và giảm hơn 20% so với đầu năm, xuống còn 598 USD/tấn. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, giá phân bón xuất khẩu đi xuống.

Tuy nhiên, bình quân 8 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu phân bón đã tăng 77% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức bình quân 643 USD/tấn.

CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo nửa sau năm 2022, giá phân bón khó tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trên thế giới nhìn chung yếu, đặc biệt là ure có thể sẽ đi ngang và giảm dần sang năm 2023.

Trước đó nửa đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón của Việt Nam hưởng lợi từ việc thế giới “khát” phân bón trước tác động của xung đột chính trị Nga – Ukraine và các lệnh hạn chế xuất khẩu.

Tương tự, Chứng khoán SSI cũng cho rằng nhu cầu ure đang suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và quý III thấp điểm tiêu thụ. Điều này dẫn đến hoạt động xuất khẩu và giá trong nước suy giảm thời gian qua.

Tuy nhiên, trong quý IV, hoạt động tiêu thụ được cho là sẽ phục hồi dù không quá mạnh.

“Mùa cao điểm quý IV sẽ hỗ trợ phục hồi nhu cầu tiêu thụ ure. Tuy nhiên, trước lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá các mặt hàng nông nghiệp, nhu cầu đối với phân ure có thể sẽ không phục hồi nhiều trong quý IV” SSI Research nhận định. 

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu ure vào quý III/2021, do đó đã đẩy giá Ure tăng lên đáng kể. Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với ure ban đầu dự kiến được gỡ bỏ vào cuối tháng 6, các hoạt động xuất khẩu vận rất hạn chế nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu thụ nội địa. 

Trong khi đó, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với Ure trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12, nhưng mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 (so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5).

Hoàng Anh