Xuất khẩu phân bón tiếp tục giảm sâu, thị trường bao giờ tạo đáy?
Xuất khẩu phân bón tiếp tục giảm sâu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu phân bón các loại đạt 780 triệu USD, tăng 163% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá phân bón xuất khẩu bình quân đạt 639 USD/tấn, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 8, lượng xuất khẩu giảm 22,4% so với tháng 7 xuống khoảng 58 triệu USD, theo số liệu của Bộ Công Thương. Đồng thời là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm sâu. Trước đó, trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu phân bón các loại giảm tới 49% so với tháng trước đó.
Giá phân bón xuất khẩu trong tháng 8 giảm 30% so với hồi đầu năm xuống 530 USD/tấn.
Giá phân Ure sau khi đạt đỉnh hồi tháng 4 khoảng 17.600 - 18.500 đồng/kg giảm tới khoảng 20% xuống 13.900 - 14.500 đồng/kg, theo dữ liệu từ Công ty Cổ Phần Phân Bón Bình Điền.
Giá phân bón trong nước đi xuống do giá gạo ở mức thấp, giá phân bón mùa cao điểm bón phân vụ Hè thu leo thang khiến nông dân giảm lượng sử dụng phân bón.
Trước đó, 6 tháng đầu năm, giá phân bón được hỗ trợ bởi các yếu tố chính trị và xu hướng hạn chế xuất khẩu cho dù nhu cầu yếu. Ở thời điểm hiện tại, Nga và Trung Quốc tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu mặt hàng này đến hết năm 2022.
Lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga và Trung Quốc đẩy giá mặt hàng này lên cao trong bối cảnh lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
CTCP CK Rồng Việt (VDSC) nhận định nhu cầu phân bón nội địa giảm 20-40% tùy khu vực. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp sản lượng nội địa thấp. Các doanh nghiệp sản xuất Ure hưởng nhiều thuận lợi trong việc xuất khẩu do chính sách thắt chặt xuất khẩu và căng thẳng địa chính trị.
Thị trường phân bón đang tạo đáy ngắn hạn?
Thị trường phân bón đang có dấu hiệu hạ nhiệt những tháng gần đây, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, giá phân bón sẽ phục hồi nhẹ trong những tháng còn lại của năm 2022.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng giá Ure đã tạo đỉnh trong tháng 4/2022 và sẽ điều chỉnh giảm trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, BSC nhận định giá Ure có thể tạo đáy trong khoảng tháng 7 - 8 do nhu cầu yếu và do ảnh hưởng từ nguồn cung bổ sung từ Nga, Trung Quốc rồi sẽ phục hồi nhẹ trong tháng 8 - 10 do mùa cao điểm sử dụng phân bón.
Ngoài ra, các đợt đấu thầu Ấn Độ có thể hỗ trợ giá Ure, mùa đấu thầu cao điểm thường diễn ra trong quý III và IV. Đồng thời, giá nguyên liệu sản xuất cao cũng là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của giá Ure trong các tháng cuối năm.
Giá Ure tính đến ngày 5/9 bắt đầu tăng nhẹ khoảng 2% so với hồi đầu tháng 8. Giá phân DAP cũng tăng khoảng 4% trong cùng giai đoạn lên 22.350 đồng/kg.
Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng nhu cầu Ure suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và do quý III thường là quý tiêu thụ thấp điểm. Điều này dẫn đến hoạt động xuất khẩu và giá trong nước suy giảm thời gian qua.
Tuy nhiên, trong quý IV, hoạt động tiêu thụ được cho là sẽ phục hồi dù không quá mạnh.
“Mùa cao điểm quý IV sẽ hỗ trợ phục hồi nhu cầu tiêu thụ Ure. Tuy nhiên, trước lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá các mặt hàng nông nghiệp, nhu cầu đối với phân Ure có thể sẽ không phục hồi nhiều trong quý IV” SSI Research nhận định.
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu Ure vào quý 3/2021, do đó đã đẩy giá Ure tăng lên đáng kể. Mặc dù lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với Ure ban đầu dự kiến được gỡ bỏ vào cuối tháng 6/2022, các hoạt động xuất khẩu vận rất hạn chế nhằm đảm bảo đủ nguồn cung cho tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, Nga tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với Ure trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2022, nhưng mức hạn ngạch đã được tăng lên 8,3 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 (so với 5,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022).
SSI Research ước tính Nga chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu Ure toàn cầu trong 2019. Do đó, sản lượng xuất khẩu Ure toàn cầu trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, điều này hỗ trợ giảm giá Ure.
Bên cạnh đó, giá than và giá dầu đã điều chỉnh đáng kể so với mức đỉnh, trong khi giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu vẫn ở mức cao do gián đoạn nguồn cung từ Nga, cũng như lo ngại về khả năng sự gián đoạn này sẽ kéo dài.
Việc định tuyến lại nguồn cung khí tự nhiên đến châu Âu khó hơn nhiều so với mặt hàng than và dầu. Giá khí đốt nhiên liệu cao tại Châu Âu khiến các nhà sản xuất Ure tại khu vực này giảm sản lượng thậm chí đóng cửa, do đó đẩy giá Ure lên cao. Giá khí đốt tự nhiên cao ở châu Âu chủ yếu ảnh hưởng đến giá Ure ở Biển Đen và Ai Cập.
Trong khi đó, giá than điều chỉnh mạnh đã tác động lên giá Ure tại Trung Quốc. Giá Ure trên thị trường Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với giá Ure tại thị trường Trung Quốc hoặc Indonesia, hơn là giá Ure tại Biển Đen hoặc Ai Cập.
Trái ngược với diễn biến của Ure, BSC cho rằng giá bán NPK và amoniac vẫn sẽ tiếp tục neo ở mức cao trong nửa cuối năm 2022 do giá Ure, Photpho, Kali (các nguyên liệu dùng để sản xuất NPK) đều tăng mạnh kể từ đầu năm đặc biệt là Kali khi nguồn cung nội địa phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu và sự thiếu hụt nguồn cung amoniac trên toàn cầu giúp đẩy giá bán amoniac lên.