Nhu cầu tiêu thụ yếu, giá phân bón khó tăng mạnh
Theo báo cáo ngành phân bón của CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo nửa sau năm 2022, giá phân bón khó tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trên thế giới nhìn chung yếu, đặc biệt là ure có thể sẽ đi ngang và giảm dần sang năm 2023.
Trước đó, 6 tháng đầu năm, giá phân bón được hỗ trợ bởi các yếu tố chính trị và xu hướng hạn chế xuất khẩu cho dù nhu cầu yếu. Ở thời điểm hiện tại, Nga và Trung Quốc tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu mặt hàng này đến hết năm 2022.
Lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga và Trung Quốc đẩy giá mặt hàng này lên cao trong bối cảnh lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Với vị thế lớn trong bản đồ phân bón thế giới, các lệnh cấm vận lên Nga khiến giá tăng trong quý I năm nay trước khi hạ nhiệt lại trong quý II. Đà tăng giá chủ yếu đến từ các sản phẩm ure, DAP, kali.
Tương tự, Trung Quốc cũng duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu mặt hàng này để đảm bảo nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, giá khí tăng mạnh ở châu Âu cũng góp phần đẩy chi phí khí sản xuất phân bón ở khu vực dẫn đến một số nhà máy đóng cửa và làm thiếu hụt nguồn cung.
VDSC nhận định nhu cầu phân bón trong nửa đầu năm khá yếu.
Với việc giá tăng cao, nhu cầu trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam suy giảm. Các doanh nghiệp phân bón trong nước chủ yếu được hưởng lợi từ thị trường xuất khẩu do nguồn cung từ các nước sản xuất lớn bị suy giảm.
VDSC ước tính nhu cầu phân bón nội địa giảm 20-40% tùy khu vực. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp sản lượng nội địa thấp. Các doanh nghiệp sản xuất ure hưởng nhiều thuận lợi trong việc xuất khẩu do chính sách thắt chặt xuất khẩu và căng thẳng địa chính trị.