|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá phân bón tăng chóng mặt, đạm Urê vượt kỷ lục của năm 2008

07:28 | 10/12/2021
Chia sẻ
Giá phân bón thế giới và trong nước tiếp tục xu hướng tăng trong hơn một tháng trở lại đây. World Bank dự báo xu hướng tăng giá của một số loại phân bón sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022.

Giá Urê trong nước thiết lập kỷ lục mới

Trong tháng 11 và đầu tháng 12, giá các mặt hàng phân bón trong nước tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao theo xu hướng chung của thị trường thế giới.

Trong đó, giá phân bón Urê tính đến ngày 7/12 đã vượt qua kỷ lục của năm 2008 khi chạm ngưỡng 18.000 – 19.000 đồng/kg tại TP. HCM, tăng thêm 19 - 29% (tương ứng tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg) so với cuối tháng 10 và tăng 60 – 70% chỉ sau hơn 2 tháng trở lại đây.

Giá các mặt hàng phân bón khác cũng tăng nhưng với biên độ chậm hơn, Kali và NPK tăng 1.000 – 1.500 đồng/kg; Giá DAP Đình Vũ tăng nhẹ 200 đồng/kg, lên mức 19.000 đồng/kg; DAP Trung Quốc tăng 500 – 1.000 đồng/kg, lên mức 23.000 đồng/kg.

Như vậy, giá phân bón Urê hiện đã tăng 2,7 lần so với đầu năm nay, còn các mặt hàng phân bón khác cũng tăng từ 2 – 2,5 lần.

Giá phân bón tăng phi mã đang đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là sản xuất lúa gạo vụ Đông Xuân 2021-2022. Trước đây, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 24% tổng chi phí sản xuất lúa, nhưng nay chi phí cho phân bón có thể đã lên tới 40-50%.

Điều này khiến cho người nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, bởi giá lúa gạo tại ĐBSCL trong hơn một tháng trở lại đây sụt giảm 200 – 300 đồng/kg sau khi có thông tin thị trường tiêu thụ lớn nhất của nước ta là Philippines có động thái hạn chế mua vào do được mùa.

Trong khi đó, giá các mặt hàng nông sản khác như cà phê, hạt tiêu... dù tăng nhưng cũng khó có thể bù đắp được chi phí phân bón, vật tư nông nghiệp tăng 2-3 lần như hiện nay.

Giá phân bón tăng chóng mặt, đạm Urê vượt kỷ lục của năm 2008 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Báo điện tử Cần Thơ

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp hạ nhiệt giá phân bón tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất, qua đó tiết giảm chi phí đầu vào và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường quốc tế.

Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, giá phân bón thế giới có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao ít nhất là cho đến hết quý I/2022.

Đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng hiện nay Việt Nam đã tự chủ được một số mặt hàng phân bón như Urê, NPK và một phần DAP, không phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu nên có dư địa nhất định để điều tiết giá phân bón nội địa.

Trước diễn biến giá phân bón tăng phi mã, nông dân dù được mùa được giá nhưng không có lãi, vừa qua Bộ Công Thương đề xuất đưa phân bón vào danh mục chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.

Cùng với đó, bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm, tránh các hành động trục lợi từ việc tăng giá.

Giá một số loại phân bón tại TP. HCM ngày 7/12/2021

Giá phân bón tăng chóng mặt, đạm Urê vượt kỷ lục của năm 2008 - Ảnh 2.

Nguồn: Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacam. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp)

Giá sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022?

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá Urê thế giới dự báo sẽ giảm nhẹ vào năm 2022 do giá nguyên liệu đầu vào ở mức vừa phải.

Tuy nhiên, giá DAP dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2022 do nguồn cung thắt chặt, trừ khi các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc được nới lỏng sớm hơn dự đoán.

Trong khi đó, giá Kali được dự báo sẽ tăng vọt vào năm 2022 khi giá giao ngay đang tăng đáng kể do nguồn cung tiếp tục gián đoạn.

11 tháng năm nay, khí đốt tự nhiên và phân bón Urê là 2 mặt hàng có giá tăng mạnh nhất trong bảng theo dõi hàng hóa toàn cầu của World Bank.

Việc giá khí đốt tăng tới 3,8 lần trong 11 tháng qua đã đẩy giá Urê Biển Đen lên mức trung bình 900 USD/tấn trong tháng 11, tăng gấp 3,4 lần so với chỉ 265 USD/tấn của tháng 1 năm nay và đánh dấu mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Ngoài ra, giá các mặt hàng phân bón khác được theo dõi bởi World Bank cũng tăng cao so với đầu năm nay như: DAP tăng 72,5%, đạt 726,7 USD/tấn; TSP tăng 97%, đạt 665 USD/tấn; Phosphate tăng 80,2%...

Giá phân bón, đặc biệt là giá đạm Urê tăng đột biến sau khi giá than và khí đốt tự nhiên, hai nguồn năng lượng chính dùng để sản xuất phân bón tăng kỷ lục. Đồng thời, thị trường còn chịu tác động từ các biện pháp hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc và Nga.

Còn trên thị trường Kali toàn cầu, một số quốc gia áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Belarus vào tháng 8 năm nay (bao gồm Liên minh châu Âu vào tháng 6 và Vương quốc Anh, Mỹ và Canada) đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung Kali của nước này.

Giá phân bón tăng chóng mặt, đạm Urê vượt kỷ lục của năm 2008 - Ảnh 3.

Số liệu từ World Bank. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Nguồn cung các mặt hàng phân bón trong nước ổn định, riêng DAP khá mỏng

Theo số liệu ước tính của Bộ Công Thương, xuất khẩu phân bón của nước ta trong tháng 11 tăng mạnh trở lại sau 3 tháng liên tiếp giảm so với cùng kỳ năm ngoái, với 130.000 tấn, tăng 20,4% so với tháng trước và tăng 58,9% so với cùng kỳ.

Tính chung 11 tháng, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nhờ giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu thu về đã tăng tới 40,2%, đạt 442 triệu USD.

Mặc dù vậy, do sản xuất và nhập khẩu phân bón tăng mạnh nên nguồn cung phân bón trong nước vẫn đang cao hơn đáng kể so với năm ngoái.

Cụ thể, trong 11 tháng năm nay, sản xuất các mặt hàng phân bón trong nước (Urê, Lân, NPK, DAP) đạt gần 6,3 triệu tấn, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Lượng phân bón nhập khẩu cũng tăng 20,1%, lên mức 4,1 triệu tấn.

Như vậy, tổng nguồn cung phân bón trong nước trong 11 tháng năm 2021 vào khoảng 9,2 triệu tấn (sản xuất + nhập khẩu – xuất khẩu), cao hơn 946,9 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, riêng mặt hàng phân bón DAP nguồn cung mỏng hơn năm ngoái và đối mặt với nguy cơ khan hàng, giá tăng cao trong thời gian tới.

Nguyên nhân là nhập khẩu DAP từ đầu năm đến nay giảm khá mạnh sau khi Trung Quốc, nguồn cung phân bón DAP lớn nhất cho nước ta hạn chế xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 11 chỉ có 2.660 tấn phân bón DAP được nhập khẩu về Việt Nam, giảm rất mạnh so với 16.774 tấn của 15 ngày cuối tháng 10 và con số 25.217 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, sản xuất trong nước cũng gặp những khó khăn nhất định do tình trạng thiếu nguyên liệu quặng apatit.

Giá phân bón tăng chóng mặt, đạm Urê vượt kỷ lục của năm 2008 - Ảnh 4.

Số liệu từ Bộ Công Thương và Tổng cục Thống kê. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Hoàng Hiệp

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.