|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CoBank: Đà tăng của giá phân bón có thể kéo dài đến tháng 6/2022

15:33 | 02/12/2021
Chia sẻ
Giá phân bón nhảy múa, đội chi phí sản xuất tăng 200 USD cho một mẫu Anh (0,4 ha), tạo áp lực lớn cho nông dân Mỹ trước thềm vụ Xuân năm 2022. CoBank dự báo đà tăng của giá phân bón sẽ kéo dài đến tháng 6/2022.

Trang Farmprogress cho biết theo quy luật thị trường, giá phân bón thường giảm vào dịp cuối năm và giảm áp lực cho nông dân trước những chi phí đầu vào phải chịu thuế.

Tuy nhiên, quy luật này có thể bị phá vỡ vào vụ gieo trồng năm 2022 trước diễn biến giá phân bón nhảy múa, việc tích trữ cho vụ mùa được ví như "trò chơi may rủi".

Phân nitơ thường được sử dụng để bón lót cho ngô đang tăng kỷ lục và đà tăng này chưa dừng lại khi giá khí đốt tăng cao và nguồn cung toàn cầu ngày càng khan hiếm.

Cụ thể, giá phân bón cho ngô tại Mỹ tăng lên 200 USD cho một mẫu Anh (0,4 ha) sau khi các nhà cung cấp tiếp tục điều chỉnh giá. Trong đó gần một nửa hóa đơn là do giá phân nitơ.

Giá vật tư đầu vào, phân bón ở khu vực gần các trung tâm công nghiệp lớn dao động 830 - 930 USD/tấn, các khu vực xa hơn có thể lên tới 1.300 USD/tấn.

Ngay cả những sản phẩm phụ thuộc vào nitơ cũng tăng mạnh như phân DAP có giá 816 USD/tấn và kali 769 USD/tấn.

Các nhà phân tích từ ngân hàng CoBank dự báo giá phân bón sẽ tăng suốt vụ xuân năm 2022 và kéo dài đến tháng 6/2022.

CoBank: Đà tăng của giá phân bón sẽ kéo dài đến tháng 6/2022 - Ảnh 1.

Chi phí phân bón cho 0,4 ha ngô tại Mỹ tăng gần gấp đôi năm 2014. (Nguồn: Farmprogress)

Chi phí sản xuất ngô tăng khiến nhiều người cho rằng nông dân sẽ chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng đậu tương, theo trang National Hog Farmer.

Tuy nhiên, ông Kenneth Scott Zuckerberg, nhà phân tích CoBank nhận định: "Việc chuyển đổi cây trồng sẽ chưa xảy ra vào năm 2022.

Vì giá đậu tương vẫn thấp hơn ngô. Bên cạnh đó, nhu cầu thu mua nguyên liệu của các các nhà sản xuất ethanol (xăng sinh học) vẫn cao do giá nhiên liệu và tỷ suất lợi nhuận đang khá tốt".

Tuy nhiên, việc chuyển đổi diện tích lớn hơn từ ngô sang đậu tương cần có lộ trình dài hơi vì sản xuất nhiên liệu sinh học như dầu diesel tái tạo cần đậu nành nhiều hơn so với ngô.

Trước thềm vụ xuân 2022, nông dân Mỹ đang phải đối mặt với một loạt những khó khăn như giá nhiên liệu tăng cao, thiếu thuốc bảo vệ thực vật do nguồn cung gián đoạn vì COVID-19 và đáng ngại nhất vẫn là giá phân bón đang tăng đỉnh theo hình parabol.

Theo thống kê của công ty phân tích thị trường Green Markets, giá phân bón đã tăng 265% kể từ tháng 5/2020 và chưa có xu hướng hạ nhiệt.

Nguồn cơn gây ra sự mất cân đối cung cầu do thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng, khí tự nhiên khan hiếm đẩy giá phân bón tăng đỉnh.

Cùng với đó, nhà máy phân bón Donaldson của CF Industries tạm thời đóng cửa, lệnh hạn chế xuất khẩu của Nga, Trung Quốc khiến thị trường phân bón sôi sục.

Những lo ngại về nguồn cung năng lượng cũng khiến sản xuất ở Trung Quốc, "cường quốc" xuất khẩu urê và photphat phải cắt giảm sản lượng nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.

Theo thống kê, tổng sản lượng phân bón năm 2021 của Trung Quốc đã giảm 26% so với mức đỉnh đạt được vào năm 2015.

Trong đó, xuất khẩu urê của Trung Quốc đã tăng vọt trong tháng 9, tăng 37%, phân lân tăng 48% so với năm 2020.

Trước diễn biến này, Chính phủ Trung Quốc siết xuất khẩu để cân bằng nguồn cung và giá phân bón trong nước. 

Động thái này như "một mũi tên trúng hai đích" khi nước này đang hãm đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp, giảm phát thải carbon trước thềm Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh.

Hoàng Anh

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.