[Giá nông sản ngày 4/7] Cà phê sẽ chỉ tăng 500 – 1.000 đồng/kg, giá cao su lao dốc gần 4%
Cập nhật giá nông sản ngày 4/7.
Ảnh mịnh họa (Tư liệu) |
Cà phê “hụt hơi” vào ngày thông báo giao hàng đầu tiên của hợp đồng giao tháng 7
Sau một tuần tăng giá mạnh, thị trường cà phê bắt đầu vào đợt điều chỉnh mới, đặc biệt là robusta.
Đối với robusta, sau ba phiên tăng liên tiếp vào tuần trước, giá hợp đồng giao tháng 9 bất ngờ giảm nhẹ 3 USD/tấn về 2.146 USD/tấn tại London trong phiên đầu tuần (3/7). Giảm nhẹ nên giá robusta vẫn giữ được ngưỡng quan trọng là 2.100 USD/tấn.
Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, vẫn còn quá sớm để kỳ vọng robusta có thể chạm ngưỡng 2.200 USD/tấn vì các yếu tố tiền tệ, mua bán giá cách biệt giữa hai sàn arabica và robusta. Hơn nữa, ở khu vực này, thị trường nghi các quỹ đầu cơ bán để giảm lượng dư mua cũng như các nước sản xuất quay lại bán trên London tạo áp lực.
Tại thị trường trong nước, giới thương lái cũng giảm nhẹ 100 đồng/kg với giá thu mua cà phê nguyên liệu tại một số huyện ở Tây Nguyên. Giá hiện vẫn duy trì được ngưỡng 45.000 đồng/kg trong hôm nay, so với cuối tuần trước là 46.000 đồng/kg.
Giá cà phê tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com) |
Dù giá kỳ hạn tăng 77 USD sau một tuần nhưng giá nội địa chỉ tăng tương đương với chừng 45 USD/tấn. Điều này chứng tỏ rằng hiện tượng “vắt giá” chỉ đa phần để giải quyết các vấn đề tài chính hơn nhu cầu mua hàng thực, ông Bình cho hay.
Cũng theo dự báo của ông, giá cà phê nội địa vẫn còn khả năng chỉ tăng 500 – 1.000 đồng/kg vì nhu cầu mua của các nhà nhập khẩu hàng thực không lớn.
Ngày 3/7 là ngày thông báo giao hàng đầu tiên của hợp đồng giao tháng 7, nhưng số lượng hợp đồng mở vẫn còn tương đối lớn.
Theo số liệu của ICE, có tổng 762 lô cà phê được chào bán để giao hàng trong tháng 7, trong đó có 337 lô của Việt Nam, 231 lô của Indonesia, 103 lô của Sierra Leone. Bên bán nhiều nhất là ngân hàng BNP Paribas với 638 lô và bên mua nhiều nhát là ngân hàng Macquarie Bank với 742 lô.
Đối với arabica, giá giữ được đà tăng mạnh của tuần trước, với giá hợp đồng giao tháng 9 tăng thêm gần 1,6% lên 127,70 Uscent/pound.
Theo các chuyên gia giao dịch, giới đầu cơ bắt đầu giảm nắm giữ vị thế ngắn hạn đối với arabica nên giá có thể vượt ngưỡng 130 Uscent/pound.
Tính đến hôm qua, chênh lệch giá giữa hợp đồng robusta giao tháng 7 và hợp đồng arabica giao tháng 9 tăng lên khoảng 22 USD, từ mức 12 USD của cuối tuần trước. Trong phiên 30/6, chênh lệch có lúc lên tới khoảng 60 USD vì làn sóng bán khống trước ngày thông báo ngày giao hàng đầu tiên với hợp đồng robusta giao tháng 7.
Giá cao su lao dốc xuống dưới ngưỡng 200 yen/kg
Hôm nay, giá cao su bất ngờ lao dốc gần 4% và lại về dưới ngưỡng 200 yen/kg. Chốt phiên hôm nay, giá cao su giao tháng 12 giao dịch ở 196 yen/kg trên sàn TOCOM (Nhật Bản), sau khi lên cao nhất gần một tháng trong đầu phiên.
Giá cao su TOCOM (Nguồn: TOCOM) |
“Các yếu tố cơ bản trên thị trường cao su không có gì mới, nhưng giá cao su tại Thượng Hải lại đang chịu áp lực bán tháo rất lớn vì giới đầu tư đột ngột điều chỉnh vị thế,” chuyên gia phân tích Toshitaka Tazawa tại công ty Fujitomi Co. nói.
Cũng theo ông Tazawa, mặc dù đã thoát đáy nhưng giá cao su TOCOM và Thượng Hải rất khó để lên cao hơn, vì các nước sản xuất cao su lớn ở Đông Nam Á bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cao su từ đầu tháng 6.
Cao su được lấy mủ hàng năm nhưng sản lượng mủ sẽ giảm trong mùa khô khi lá rụng. Tại Thái Lan, nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, kéo dài từ tháng 2 đến khoảng tháng 5 hàng năm.
Hồ tiêu vẫn “bất động”
Hôm nay, giá thu mua hồ tiêu nguyên liệu tại các các tỉnh phía nam tiếp tục đứng yên, dao động hẹp trong khoảng 76.000 – 78.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu tại Việt Nam (Nguồn: tintaynguyen.com) |
Trong khi đó, tại Ấn Độ, giá tiêu tiếp tục tăng vì nguồn cung thấp trong khi nhu cầu vẫn rất lớn. Theo đó, giá tiêu giao ngay tăng thêm 100 rupee/tạ lên 49.000 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 51.000 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc).
Trên thị trường kỳ hạn, người mua phải mua tiêu Rajkumari với giá 515 rupee/kg, tiêu chất lượng cao có giá 505 – 510 rupee/kg và tiêu Wayanad có giá 500 rupee/kg.
Giá tiêu xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ cũng lần lượt tăng lên 8.100 USD/tấn và 8.350 USD/tấn.