|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá lương thực ở Indonesia sẽ tiếp tục ở mức cao

06:49 | 08/11/2023
Chia sẻ
Ngày 6/11, Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bapanas) dự báo giá lương thực sẽ vẫn ở mức cao trong 2 tháng cuối năm 2023 trong bối cảnh hiện tượng thời tiết El Niño ảnh hưởng đến sản xuất ở Indonesia và các nước khác.

Người đứng đầu Bapanas, ông Arief Prasetyo Adi, cho biết Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục nỗ lực kiểm soát giá lương thực, trong đó có việc đảm bảo nhập khẩu thêm 3 mặt hàng đang gặp khó khăn về nguồn cung là gạo, ngô, và đường.

Ông Arief cho hay chính phủ đã giao cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) nhập khẩu 3,5 triệu tấn gạo trong năm nay để tăng cường kho dự trữ quốc gia, đồng thời đồng ý miễn thuế nhập khẩu lên tới 450 rupiah (0,029 USD)/kg đối với số gạo này.

Theo ông Arief, các nỗ lực khác nhằm thúc đẩy sản xuất cũng đang được tiến hành, trong đó có các kế hoạch đẩy nhanh gieo cấy lúa và cải thiện khả năng cung ứng phân bón.

Theo ước tính của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), sản lượng gạo của Indonesia dự kiến sẽ giảm 650.000 tấn trong năm nay xuống còn 30,9 triệu tấn. Dữ liệu của BPS vào đầu tháng 11 cũng cho thấy gạo đã trở thành nguyên nhân chính đẩy lạm phát tăng cao trong tháng 10, lên tới 2,56% từ mức 2,28% của tháng trước đó.

Trong nỗ lực bình ổn giá ngô, Chính phủ Indonesia sẽ nhập khẩu 500.000 tấn, trong đó một nửa dự kiến sẽ được vận chuyển về nước trước cuối năm nay.

Ông Arief cho rằng nếu không can thiệp vào nguồn cung trong nước, giá cả các mặt hàng lương thực khác, chẳng hạn như trứng và thịt gà, cũng sẽ tăng do nhu cầu cao trong bối cảnh sản lượng sụt giảm.

Dữ liệu của BPS cho thấy diện tích canh tác ngô dự kiến đạt khoảng 2,49 triệu ha trong năm nay, giảm 0,28 triệu ha, tương đương với 10,03% so với năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng ngô có độ ẩm 14% dự kiến đạt 14,46 triệu tấn, giảm 2,07 triệu tấn so với năm trước.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng mía, Bapanas cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy các công ty nhập khẩu đường từ Thái Lan, Australia và Brazil. Trước đó, các công ty Indonesia đã tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng này do giá quốc tế tăng cao trong khi tỷ giá hối đoái sụt giảm.

Bapanas tiết lộ rằng, tính đến giữa tháng Mười, chỉ 26% trong tổng hạn ngạch 1 triệu tấn đường nhập khẩu đã được thực hiện. Indonesia phụ thuộc vào đường nhập khẩu để đáp ứng hơn một nửa nhu cầu trong nước.

Hữu Chiến