Giá lúa gạo hôm nay 21/4: Nhiều giống lúa, gạo có xu hướng ổn định trở lại
Giá lúa gạo hôm nay
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (21/4) không có thêm điều chỉnh mới. Theo đó, lúa IR 50404 giữ nguyên ở mức 5.500 - 5.600 đồng/kg, Nàng Hoa 9 thu mua tại mốc 5.900 - 6.000 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang ở mức 11.500 - 12.000 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 ghi nhận khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg và lúa Nhật có giá từ 8.000 - 8.500 đồng/kg.
Các giống lúa OM giữ nguyên mức giá cũ như ngày hôm qua. Cụ thể, OM 5451 tiếp tục có giá 5.500 - 5.600 đồng/kg, OM 380 duy trì trong khoảng 5.500 - 5.600 đồng/kg và OM 18 giữ mốc 5.800 - 5.900 đồng/kg.
Giá nếp hôm nay không biến động. Trong đó, giá nếp AG (tươi) điều chỉnh giảm 150 đồng/kg xuống còn 5.600 - 5.700 đồng/kg. Trong khi đó, nếp Long An (tươi) và nếp ruột giữ nguyên giá thu mua, lần lượt có giá là 5.600 - 5.850 đồng/kg và 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 21/4 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Giá gạo hôm nay tại chợ An Giang chững lại trên diện rộng. Gạo thơm Jasmine đang có giá là 15.000 - 16.000 đồng/kg, Sóc thường tiếp tục giữ mốc 13.500 - 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài đi ngang khi thu mua với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo nàng Nhen duy trì ở mốc 20.000 đồng/kg, gạo Hương Lài chững lại, giữ mức 19.000 đồng/kg và gạo trắng thông dụng đang có giá 14.000 đồng/kg.
Chủ động thích ứng các điều kiện bất lợi trong vụ lúa Hè Thu 2022
Vụ lúa Hè Thu 2022, nông dân sản xuất lúa không chỉ gặp bất lợi do giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào tăng cao mà tình hình thời tiết còn diễn biến khó lường do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, theo báo Cần Thơ.
Vụ Hè Thu này, 10 công ruộng của ông Huỳnh Văn Diêu ở ấp Thới Hòa A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai sạ giống OM 5451 đã được 30 ngày tuổi. Theo ông Diêu, lúa đang phát triển khá tốt nhưng chi phí sản xuất lúa trong vụ này có thể tăng ở mức từ 3 - 3,5 triệu đồng/công. Bởi giá vật tư tăng cao, nhất là phân bón đã tăng hơn gấp đôi so trước, nhiều loại phân DAP giá tăng từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/bao, Urê và Kali từ 850.000 - 950.000 đồng/bao. Vụ Hè Thu, nông dân thường phải tăng lượng phân bón để trừ hao lượng phân bị bốc hơi do trời nắng, làm tăng thêm chi phí,...
Lúa Hè Thu trên địa bàn Cần Thơ chủ yếu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng và đang phát triển tốt. Tuy nhiên, trên một số trà lúa đã xuất hiện các loại sâu bệnh và dịch hại như chuột, muỗi hành, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá và hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Với sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương, nông dân vẫn đang kiểm soát tốt các loại sâu bệnh và hạn chế tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Trần Văn Phủ, ngụ ấp Thạnh Xuân, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ có 2,5ha lúa sạ giống OM 18 đã được 54 ngày tuổi mà chưa phải phun thuốc trừ sâu lần nào. Nhiều hộ nông dân đã thực hiện giảm lượng giống, áp dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tưới ngập khô xen kẽ, không phun thuốc trừ sâu sớm trước 40 ngày sau sạ theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp.
Thời gian qua, dù có xuất hiện rải rác sâu cuốn lá, hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ, nhưng nhờ sự hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, cán bộ khuyến nông nên nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để phòng tránh, quản lý dịch hại mà chưa cần dùng tới thuốc hóa học. Nhờ tham gia mô hình cánh đồng lớn và thực hiện sản xuất lúa theo hướng an toàn, bền vững, ruộng lúa của nhiều hộ gia đình cũng đã được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ, không phải lo đầu ra.
Trước tình hình sản xuất có nhiều bất lợi, các cấp chính quyền và các ngành chức năng thành phố đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra. Ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cũng chủ động hướng dẫn và khuyến cáo để ngành Nông nghiệp các địa phương và nông dân chủ động thích ứng với các điều kiện sản xuất bất lợi. Ðặc biệt, chú ý áp dụng các gói kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tưới tiêu nước tiết kiệm, công nghệ sinh thái, sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học trong quản lý sâu rầy, không sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn lúa từ 0 đến 40 ngày sau sạ.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để vụ lúa Hè Thu thắng lợi, ngành Nông nghiệp các địa phương và nông dân cần tiếp tục quan tâm theo dõi sát đồng ruộng, các diễn biến của thời tiết và sâu bệnh nhằm chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa. Ðặc biệt, điều kiện nắng nóng và mưa trái mùa thường xuyên xuất hiện rất dễ tác động xấu đến cây lúa trong giai đoạn đòng trổ, dễ xuất hiện bệnh đạo ôn,...
Ngành Nông nghiệp cũng lưu ý nhà nông chú ý bón phân cân đối, tiết kiệm, hiệu quả, tránh thừa phân bón làm tăng chi phí sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao. Ðồng thời, áp dụng giải pháp tưới ngập khô xen kẽ để giúp cây lúa cứng khỏe, sử dụng tốt dinh dưỡng trong đất và tiết kiệm nước tưới. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng", không dùng các loại hóa chất độc hại và xung điện để diệt chuột…