Giá lúa gạo hôm nay 13/5: Điều chỉnh giảm rải rác tại một số giống lúa
Giá lúa gạo hôm nay
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (13/5) điều chỉnh giảm 50 - 100 đồng/kg tại một số giống lúa được khảo sát. Theo đó, Đài Thơm 8 giảm 50 đồng/kg xuống còn 5.700 - 5.800 đồng/kg. So với hôm qua, lúa IR 50404 hạ nhẹ 100 đồng/kg, hiện còn 5.400 - 5.500 đồng/kg. Còn OM 18 đang giao dịch với giá 5.700 - 5.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với hôm qua.
Các giống lúa khác tiếp tục đi ngang trong hôm nay. Cụ thể, lúa IR 50404 (khô) thu mua tại mức 6.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 đang có giá là 5.800 - 6.000 đồng/kg, lúa Nhật có giá là 8.000 - 8.500 đồng/kg và OM 5451 đang neo ở mốc 5.600 - 5.700 đồng/kg.
Giá các loại nếp không biến động. Theo đó, nếp AG (tươi) dao động trong khoảng 5.600 - 5.700 đồng/kg, nếp Long An (tươi) có giá là 5.600 - 5.850 đồng/kg và nếp ruột duy trì khoảng giá là 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 13/5 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Giá gạo hôm nay tại chợ An Giang không ghi nhận điều chỉnh mới. Gạo thường có giá không đổi là 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen có giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật đi ngang tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần.
Sóc Trăng: Phát triển thương hiệu, chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản
Ngày 12/5, tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo bền vững năm 2022, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch tỉnh UBND Sóc Trăng chủ trì hội nghị, với sự tham dự đại hiện lãnh đạo các Sở ngành, ngân hàng thương mại, các huyện, thị xã, TP Sóc Trăng,… và 30 hợp tác xã (HTX), 10 doanh nghiệp và tập đoàn chuyên ngành sản xuất lúa gạo, cung cấp công nghệ, chế biến lúa gạo.
Trong 5 năm qua tiếng vang các giống lúa đặc sản thơm ngon ở Sóc Trăng như ST24, ST25 đạt giải cao trong top gạo ngon nhất thế giới. Với lợi thế danh hiệu gạo thơm ngon nhất trên thị trường, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu phát triển thương hiệu, nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo đặc sản tập trung các giống lúa nhóm ST.
Đặc biệt là ST24, ST25, lúa Tài Nguyên Mùa, thơm nhẹ,… theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường. Theo đó góp phần nâng cao thu nhập, sinh kế hộ nông dân trồng lúa, hướng đến phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.
Theo định hướng giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh xác định vùng sản xuất lúa đặc sản phù hợp nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, củng cố và xây dựng các tổ hợp tác và HTX sản xuất lúa gắn với xây dựng cánh đồng lớn và liên kết sản xuất theo hướng an toàn.
Hàng năm tỉnh Sóc Trăng có diện tích gieo trồng hơn 327.800 ha sản xuất lúa chuyên canh, sản lượng lúa trên 2 triệu tấn/năm. Trong đó, sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao trên 1,5 triệu tấn/năm, chiến hơn 74% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Riêng sản lượng lúa thơm các loại chiếm hơn 1,1 triệu tấn, chiếm hơn 53% sản lượng lúa của tỉnh.
Hiện nay vấn đề sản xuất và liên kết tiêu thụ đóng vai trọng quan trọng, nếu hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ tốt sẽ góp phần tạo giá trị gia tăng cho lúa gạo. Năm 2021, trong tình hình dịch COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất lúa gạo. 131 lượt DN liên kết với các Tổ hợp tác, HTX nông nghiệp trong tỉnh hơn 61.000 ha.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi ý kiến, tìm tiếng nói chung trong sản xuất lúa gạo với các Tổ hợp tác, HTX, tiếp tục tổ chức Hội nghị sản xuất lúa gạo và liên kết tiêu thụ, mở rộng vùng sản xuất trên cánh đồng lớn, hướng đến phát triển bền vững.