Giá lúa gạo hôm nay 10/6: Điều chỉnh tăng ở một số loại nếp, cám
Giá lúa gạo hôm nay
Xem thêm: Giá lúa gạo hôm nay 13/6
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (10/6) ghi nhận chiều hướng ổn định ở tất cả các giống lúa được khảo sát. Trong đó, lúa IR 50404 đang có giá là 5.400 - 5.600 đồng/kg, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, Đài Thơm 8 giao dịch trong khoảng 5.700 - 5.850 đồng/kg, Nàng Hoa 9 chững lại tại mốc 5.900 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg và lúa Nhật có giá là 8.000 - 8.500 đồng/kg.
Các loại lúa OM cũng không có biến động mới trong ngày hôm nay. Cụ thể, OM 5451 đang được thu mua với giá là 5.600 - 5.700 đồng/kg và OM 18 có giá trong khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg,
Giá các loại nếp hôm nay có một vài điều chỉnh nhỏ so với hôm qua. Theo đó, nếp AG (khô) tăng 100 đồng/kg lên mốc 7.700 - 7.800 đồng/kg trong hôm nay. Các loại nếp còn lại duy trì giá thu mua không đổi, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg và nếp ruột tiếp tục neo trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 10/6 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Tại chợ An Giang, giá gạo tiếp tục đi ngang trên diện rộng. Theo đó, gạo thường có giá 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần. Duy chỉ có giá cám là thay đổi, tăng 500 đồng/kg so với hôm qua, hiện có giá là 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Đồng Tháp: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết ngành hàng chủ lực, đặc thù
Theo UBND huyện Châu Thành, thời gian qua, huyện tập trung triển khai nhiều giải pháp hướng đến việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Với ngành hàng lúa gạo, huyện chủ trương tập trung chuyển đổi sản xuất giống lúa chất lượng cao theo hướng an toàn và liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao chiếm 20,4% trên tổng diện tích gieo trồng hàng năm.
Là một trong những mô hình đi đầu trong việc áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) đã tập trung sản xuất lúa, gạo theo hướng VietGAP nhằm tạo ra những sản phẩm đẹp về mẫu mã, bảo đảm về chất lượng.
Ông Huỳnh Hoàng Hưng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân cho biết, để đảm bảo thống nhất cho tất cả thành viên, đơn vị xây dựng một quy trình sản xuất từ khâu gieo sạ đến thành phẩm.
Theo đó, đơn vị đã tổ chức việc liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chặt chẽ các khâu (cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn cho các thành viên; đầu tư thiết bị máy móc sơ chế, đóng gói gạo chất lượng an toàn cung cấp cho thị trường), theo báo Đồng Tháp.
Huyện Châu Thành cũng triển khai rộng rãi nhiều mô hình về sản xuất lúa theo hướng giảm giá thành tại các xã: An Phú Thuận, Tân Phú Trung, Phú Long. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất đầu vào, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích sản xuất lúa.
Đối với ngành hàng nhãn, UBND huyện Châu Thành tập trung đổi mới việc tổ chức sản xuất thông qua các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đến nay, trên địa bàn huyện có 2 hợp tác xã và 7 tổ hợp tác chuyên sản xuất và kinh doanh nhãn.
Các đơn vị này thực hiện tốt việc tổ chức sản xuất, triển khai các dịch vụ kỹ thuật cung ứng vật tư, nguyên liệu đầu vào và liên kết tiêu thụ đầu ra nông sản cho thành viên. Đặc biệt, chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong canh tác, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Đến nay, nhãn Châu Thành đã xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Trung Quốc... thông qua việc ký kết với các Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, Công ty Chánh Thu, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu N&N Fruits, Công ty GreenBo..