|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá lúa gạo đạt mức cao ngất ngưởng, vụ đông xuân nông dân lãi đậm

07:28 | 05/03/2021
Chia sẻ
Trong khi giá gạo xuất khẩu duy trì mức cao và vượt mặt gạo Thái Lan thì lúa đông xuân tại thị trường trong nước cũng đang "thắng lợi" về cả lượng và giá.

Lúa đông xuân được mùa được giá

Theo báo Cần Thơ, tại địa phương, nhiều trà lúa đông xuân sớm tại các quận, huyện như Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai... đã được thu hoạch với năng suất rất cao. 

Nông dân càng thêm vui khi lúa bán được giá cao và rất dễ tiêu thụ. Lúa ngay sau thu hoạch được thương lái và doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại bờ ruộng, nông dân không phải lo chuyện phơi, sấy lúa.

Ông Đoàn Quốc Tuấn ngụ ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Tôi vừa thu hoạch 3,5 công lúa sạ giống OM 380 trong vụ đông xuân 2020-2021, với năng suất đạt gần 1,3 tấn/công (công tầm lớn 1.300m2), cao hơn 200 kg/công so với cùng kỳ năm trước.

Thương lái thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá 6.400 đồng/kg, mức giá này cao hơn 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước. Vụ này nhờ trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận có thể đạt khoảng 6 triệu đồng/công lúa, khoản lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay”.

Tại tỉnh Vĩnh Long, nhiều nông dân ở Tam Bình, Trà Ôn phấn khởi khi năm nay lúa trúng mùa, lại bán được với mức giá “cao chưa từng thấy”, báo Vĩnh Long đưa tin.

Cụ thể, nhiều nông dân ở ấp Cây Bàng (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình) vừa mới thu hoạch lúa thơm OM18, năng suất đạt từ 15- 17 bao/công (khoảng 40 giạ/công/1.000 m2), giá lúa tươi cân tại ruộng là 6.500 đ/kg.

Tương tự, năng suất lúa đạt mức khá cao ở một số cánh đồng đang thu hoạch thuộc ấp Nhơn Trí, Tường Ngãi (xã Nhơn Bình- Trà Ôn). Đồng thời, giá lúa đạt mức 7.000 đ/kg (lúa Hàm Châu) và 6.800 đ/kg (OM5451).

Sau khi trừ hết các khoản đầu tư, nông dân lời 3 triệu đồng/công. Một số thương lái ở Tam Bình cho biết, từ trước tết Nguyên Đán một số cánh đồng thu hoạch sớm lúa Đông Xuân, có thời điểm giá bán đạt mức cao kỷ lục khoảng 7.200 đồng/kg đối với giống OM5451 và 7.400 đồng/kg với giống lúa Hàm Châu.

Theo ngành chuyên môn, vụ lúa Đông Xuân 2020- 2021, Vĩnh Long  xuống giống dứt điểm với 47.653 ha, đạt 90,3% kế hoạch; giảm 8,6% (4.494 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Hiện lúa đang ở giai đoạn đòng trổ hơn 35.419 ha, chắc xanh đến chín 7.601 ha và đã thu hoạch 4.633 ha. Ước năng suất bình quân đạt 6,17 tấn/ha, tăng 3,52% hay tăng 0,21 tấn/ha so với cùng kỳ năm trước.

Tại một số tỉnh, thành khác, như: Hậu Giang, Cần Thơ, lúa trồng giống OM5451, OM18 và RVT có giá dao động 6.800- 7.000 đồng/kg, cao hơn năm rồi khoảng 800 đồng/kg lúa tươi, tùy loại.

Giá lúa gạo đạt mức cao chưa từng thấy, vụ đông xuân nông dân lãi đậm  - Ảnh 1.

Lúa ngay sau thu hoạch được thương lái và doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại ruộng. (Ảnh: Thương trường)

Tương tự, những ngày này, nông dân trên địa bàn thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cũng đang tất bật thu hoạch lúa đông xuân đầu vụ trúng mùa, được giá cao, báo Hậu Giang thông tin.

Vừa thu hoạch xong hơn 1 ha lúa đông xuân (giống IR 50404) của gia đình, ông Trần Văn Sinh, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, cho biết: “Tuy chưa cân lúa nhưng qua đếm tổng số bao thì bình quân mỗi công lúa (1.300m2) được 25 bao và mỗi bao nặng tầm 52-55kg. Như vậy, tính sơ bộ thì năng suất đạt hơn 1,2 tấn/công. Với năng suất lúa như hiện nay thì cao hơn so với cùng kỳ 300 kg/công”.

Tại Khánh Hòa, những ngày này, nông dân địa phương trong tỉnh cũng bắt đầu thu hoạch vụ lúa đông xuân trà đầu trong niềm vui được mùa, được giá.

Theo báo Khánh Hòa, ông Phạm Hoàng Danh, Giám đốc Hợp tác xã Vạn Phú 1, xã Vạn Phú, cho biết hiện nay, các thành viên đã thu hoạch được gần 50% diện tích, năng suất đạt 70 - 73 tạ/ha, trừ chi phí, người dân thu lãi 40 - 45 triệu đồng/ha. Riêng gia đình ông gieo sạ 3 ha, đã thu hoạch 7.000 m2 lúa trà đầu, năng suất đạt hơn 72 tạ/ha, bán được hơn 50 triệu đồng. 

Có thể thấy, giá lúa cao khiến nông dân phấn khởi, đây là tín hiệu vui đầu năm khi giá lúa, gạo liên tiếp tăng trong suốt thời gian dài vừa qua. Theo dự báo giá lúa, gạo sẽ còn tăng do nhu cầu nhập khẩu gạo của các đối tác trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng là lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước sẽ tiếp tục tăng

Trao đổi với người viết, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp Công Nghệ Cao Trung An, cho biết giá lúa đông xuân tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 1.000 đồng/kg. Hiện tại lúa của người nông dân đều đã được cọc mua dù chưa đến thời điểm thu hoạch.

Nguyên nhân là do lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp thời điểm này không còn nhiều trong khi nhu cầu thị trường vẫn đang cao nên đã đẩy giá gạo tăng cao và với xu thế tăng của giá gạo thì giá lúa của nông dân cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, chất lượng lúa, gạo của Việt Nam đã cải thiện rõ rệt, thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính của thế giới.

"Chất lượng tốt thì đương nhiên giá sẽ cao. Nhưng thực chất đây vẫn chưa phải là mức giá cao mà chỉ là tăng so với những năm trước", ông Bình chia sẻ.

Như vậy, cầu cao trong khi nguồn cung hạn chế cũng là thời điểm các thương nhân sẵn sàng thu mua thêm gạo từ nông dân với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ của các nhà nhập khẩu tăng.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRice Group, cho biết hiện tại việc giao hàng xuất khẩu là nguồn bao tiêu sản phẩm trước đó. Nguồn tự cung ứng có thể cung cấp cho khách hàng trong khoảng 1 - 1,5 tháng, sau đó bắt buộc phải mua thêm từ bên ngoài.

Tuy nhiên, thời điểm này, giá cả từ thương lái còn cao hơn giá xuất khẩu nên việc thu mua lúa từ bên ngoài chưa được công ty triển khai.

"Giá thương lái đặt cọc cho lúa thu hoạch 20- 25 tháng 2/2021 là 7.000 đồng/kg đối với lúa thơm. Giá hiện nay là 6.400 đồng/kg. Trong khi giá gạo xuất khẩu giao dịch hiện tại với gạo jasmine là 580 USD/Mts; gạo thơm là 560 USD/Mts nên giá lúa như vậy là còn cao so với giá quốc tế", ông Có phân tích.

Trong khi đó, với công ty Trung An, ông Bình cho biết các đơn hàng vẫn đang ký kết và thực hiện. "Phân khúc khách hàng của công ty Trung An là chất lượng cao với giá bán cao tương ứng nên khi giá lúa, gạo tăng cao thì cũng không ảnh hưởng đến việc xuất hàng của doanh nghiệp"

Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp khác thì có phần khó bán với mặt bằng giá mới vì tư duy người mua thường nghĩ giá gạo Việt Nam khi  vào vụ mùa sẽ thấp khoảng 300 - 400 USD/tấn nhưng bây giờ đã hơn 500 USD/tấn nên thời gian đầu vụ này có thể sẽ khó khăn.

Thực tế, việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm vẫn duy trì đà được giá của năm 2020 dù sản lượng sụt giảm.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu trên 608.768 tấn gạo các loại, đạt giá trị kim ngạch 336,18 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo của Việt Nam hai tháng đầu năm giảm khoảng 34% về khối lượng nhưng lại tăng 22% giá trị kim ngạch.

Tính bình quân, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12.2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020.

Giá lúa gạo đạt mức cao chưa từng thấy, vụ đông xuân nông dân lãi đậm  - Ảnh 2.

Giá gạo xuất khẩu của Việt nam và Thái Lan ngày 3/3/2021. Nguồn: Oryza/VFA.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam có giá chào bán ngày 3/3 từ 518 -522 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với một ngày trước đó.

Đây là mức giá cao vượt cả giá gạo cùng loại của Thái Lan khi giá gạo 5% tấm của Thái Lan đang được chào bán với giá từ 513-517 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Ấn Độ xuất khẩu với giá 398-402 USD/tấn; gạo còn Pakistan được chào bán với giá 438-442 USD/tấn.

Không riêng gì gạo 5% tấm, các loại gạo khác của Việt Nam cũng được xuất khẩu với giá cao: Gạo 25% tấm từ 4493-497 USD/tấn; Jasmine dao động từ 563-567 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá 438 USD-442 USD/tấn.

Như Huỳnh