|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Gia Lai: Hàng trăm héc ta hồ tiêu chết rũ sau mưa

15:35 | 08/10/2018
Chia sẻ
Mưa kéo dài đã gây ngập úng, thối rễ nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Sau khi nắng lên, hàng trăm héc ta hồ tiêu đồng loạt chết rũ, đẩy nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Hồ tiêu chết hàng loạt

Sau đợt mưa kéo dài vừa qua, hơn 1.000 trụ hồ tiêu của gia đình anh Mai Văn Trung (làng Ia Đất, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, Gia Lai) bị thối rễ rồi chết đồng loạt. Anh Trung buồn rầu cho biết: “Gần 3 năm qua, gia đình tôi đã bỏ ra hơn 500 triệu đồng để thuê đất, mua trụ, giống, phân bón và chăm sóc cho hơn 1.000 trụ hồ tiêu này. Để có tiền đầu tư, tôi đã phải đi vay ngân hàng và vay bên ngoài. Vườn hồ tiêu chuẩn bị thu hoạch thì bị thiên tai, giờ thành ra trắng tay, không có tiền để trả nợ”.

gia lai hang tram hec ta ho tieu chet ru sau mua
Ông Mai Văn Trung bên vườn tiêu bị chết trắng của gia đình. Ảnh: Lê Nam

Liền kề với vườn hồ tiêu của anh Trung, 750 trụ hồ tiêu của gia đình ông Vọng Khi Anh (làng Ia Đất) cũng bị ngập úng rồi chết. Ông Vọng Khi Anh nói: “Gia đình tôi có 1.100 trụ hồ tiêu, đầu tư hơn 600 triệu đồng. Hiện nay, 750 trụ đã chết, 350 trụ còn lại cũng đang bị héo... chờ chết! Giờ chúng tôi chỉ mong Nhà nước can thiệp để ngân hàng cho giãn nợ chứ không có tiền để trả nợ”.

Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đak Đoa, trên địa bàn huyện đã có hơn 97 ha hồ tiêu bị chết. Trong đó, diện tích hồ tiêu chết do ảnh hưởng mưa bão hơn 19 ha. Ngoài ra, trên cây hồ tiêu còn xuất hiện bệnh tuyến trùng rễ gây hại 245 ha, thán thư lá 120 ha, vàng lá thối rễ tơ 285 ha, đốm đen 125 ha.

Còn tại huyện Chư Sê, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Qua báo cáo của các xã, thị trấn, toàn huyện có hơn 350 ha hồ tiêu của người dân bị chết, tập trung tại các xã: Dun, Chư Pơng, Ia Tiêm và thị trấn Chư Sê. Có nhiều vườn chết trắng cả ngàn trụ, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân hồ tiêu chết là do mưa kéo dài, cây bị úng nước làm bộ rễ bị tổn thương và phát sinh nhiều bệnh hại khác. Chúng tôi đang đi kiểm tra, thống kê lại toàn bộ diện tích hồ tiêu chết để có hướng khắc phục”.

Tương tự, tại huyện Chư Pưh, cơ quan chuyên môn cũng đã rà soát, thống kê diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện bị chết do đợt mưa kéo dài vừa qua là hơn 145 ha với 290.017 trụ (hơn 24 ha chết do úng nước, 120 ha chết do bệnh) của 998 hộ. Tại các huyện: Chư Pah, Đức Cơ, Chư Prông, Mang Yang, Ia Grai, tình trạng hồ tiêu chết do ảnh hưởng mưa dầm cũng đã xảy ra nhưng địa phương chưa thống kê được diện tích cụ thể.

Khẩn trương tìm hướng xử lý

Ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: “Đối với những diện tích hồ tiêu đã chết thì thu gom đem đi đốt, tiêu hủy và sau đó xử lý đất rồi mới tiến hành trồng lại hoặc chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng phải phù hợp, thích nghi được với điều kiện của địa phương và đặc biệt phải tính đến đầu ra sản phẩm”.

Trước tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, các địa phương đang tiến hành kiểm tra cụ thể, tìm nguyên nhân và đưa ra hướng xử lý. Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập tổ kiểm tra, thẩm định diện tích hồ tiêu bị chết trong năm 2018 để tổng hợp báo cáo tỉnh. Đồng thời, UBND huyện đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về cơ chế, chính sách gia hạn (cơ cấu lại nợ, giãn nợ), giảm lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất hồ tiêu. Hiện tại, UBND huyện đang phối hợp với Công ty OLAM xây dựng 2 cánh đồng lớn trên cây hồ tiêu để liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm tại xã Ia Hrú và Ia Le.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trên cây hồ tiêu, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh trên loại cây trồng này trong mùa mưa. Theo đó, người dân cần cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành sát mặt đất làm cho vườn hồ tiêu thông thoáng, hạn chế sự tiêu hao dinh dưỡng và phát sinh sâu bệnh gây hại; vun gốc hồ tiêu để tránh ngập úng; đối với những vườn có độ dốc thấp phải thiết kế mương thoát nước... Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh mưa kéo quá dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây hồ tiêu. Hiện Chi cục đang chỉ đạo các địa phương rà soát diện tích hồ tiêu chết, đánh giá tình hình thiệt hại, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý. Sau đó, tiếp tục thực hiện các biện pháp mà Chi cục hướng dẫn về phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu.

Xem thêm

Lê Nam

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.