Vì đâu đấu giá tại Phân Bón Miền Nam của Vinachem lại thất bại?
Vào cuối tháng 6, Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo hủy cuộc đấu giá gần 14 triệu SFG của CTCP Phân bón Miền Nam do không có nhà đầu tư nào đăng kí.
Được biết, đây là đợt thoái vốn của Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) tại Phân Bón Miền Nam với giá khởi điểm 31.072 đồng/cp, cao hơn gấp đôi so với thị giá.
Kết thúc phiên 8/7, giá cổ phiếu SFG dừng ở mức 11.400 đồng/cp, giảm 15% so với đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu SFG từ đầu năm đến nay. (Nguồn: VNDirect)
Hiện Vinachem nắm giữ 65% cổ phần của Phân bón Miền Nam nên có quyền chi phối công ty. Do đó, các quyết định quan trọng của công ty như kế hoạch đầu tư, kinh doanh, chia cổ tức hàng năm,…đều phụ thuộc Vinachem.
Theo lộ trình thoái vốn nhà nước 2017- 2020, Vinachem sẽ giảm tỉ lệ sở hữu tại Phân Bón Miền Nam xuống còn 36%.
Cơ cấu cổ đông của Phân bón Miền Nam tại ngày 4/4/2019. (Nguồn: Phân bón Miền Nam)
Cạnh tranh gay gắt, sản lượng xuất khẩu chiếm tỉ trọng nhỏ
Hoạt động kinh doanh chính của Phân bón Miền Nam là sản xuất phân NPK (phân bón NPK, NPK hữu cơ) và phân Lân, đóng góp trên 90% doanh thu và lợi nhuận gộp mỗi năm .
Ngoài ra, công ty còn sản xuất và kinh doanh một số sản phẩm khác như phân bón lá Yogen, Axit sulfuric, bao bì.
Hiện hệ thống phân phối của Phân bón Miền Nam gồm 400 đại lý cấp 1, hơn 10.000 đại lý cấp 2, chủ yếu tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên. Sản phẩm phân NPK chiếm 6% thị phần cả nước, phân Lân chiếm 12% thị phần cả nước.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, do thị trường phân bón ngày càng bão hòa, cạnh tranh gay gắt đã khiến giá phân bón của công ty giảm sâu.
Bên cạnh việc phát triển thị trường trong nước, Phân bón Miền Nam định hướng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Theo đó, công ty đã xuất sang thị trường Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar...
Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu chỉ mới chiếm tỉ trọng nhỏ (khoảng 8% - 10%) sản lượng tiêu thụ của Phân bón Miền Nam.
Theo Phân bón Miền Nam, do đồng EUR mất giá cũng như giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang các nước Châu phi tăng cao nên giá phân bón từ Việt Nam không phải là lợi thế so với các nước Châu Âu.
Các sản phẩm đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu đòi hỏi phải tiêu hao nhiều nguyên liệu nên lợi nhuận đến từ các sản phẩm xuất khẩu chưa cao, giá bán chưa được cạnh tranh.
Mặt khác, giá phân bón NPK ở các nước Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc rất thấp làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm phân bón của Việt Nam, trong đó có sản phẩm của công ty.
Một trong những thị trường chính của công ty là Malaysia do tình hình chính trị thay đổi lớn nên sản lượng của công ty bị ảnh hưởng rất nhiều trong năm 2018.
Tình hình kinh doanh kém khả quan
Về tình hình kinh doanh, trong 2015-2018, lợi nhuận sau thuế cũng như biên lợi nhuận của Phân bón Miền Nam có dấu hiệu đi xuống.
Tình hình kinh doanh của Phân bón Miền Nam trong những năm gần đây. (TH tổng hợp)
Doanh thu năm 2018 đạt 2.241 tỉ đồng, giảm 6% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 66,5 tỉ đồng, giảm hơn 27% so với năm trước đó.
Còn quí I/2019, Phân bón Miền Nam chỉ ghi nhận 265 tỉ đồng doanh thu, hơn một nửa cùng kì. Lợi nhuận sau thuế còn chưa đến 10% cùng quí I năm ngoái, đạt gần 2 tỉ đồng
Nguyên nhân là tình hình thời tiết đầu năm diễn biến bất lợi cho ngành nông nghiệp làm giảm diện tích trồng trọt dẫn đến nhu cầu phân bón giảm.
Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho nguyên vật liệu giá cao ở cuối năm 2018 lớn làm tăng giá vốn hàng bán của Phân bón Miền Nam, biên lợi nhuận gộp giảm xuống còn 5% từ mức 12% trong quí I/2018.
Luật 71/2014/QH13 vẫn chưa được chấp thuận điều chỉnh nên thuế giá trị gia tăng (GTGT) vẫn còn ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất phân bón và hiệu quả kinh doanh của công ty.