Giá heo hơi hôm nay (26/7): Mạo hiểm tái đàn, liều sẽ lãi lớn?
Sau một tuần giá heo hơi (lợn) đi xuống tới một triệu đồng một tạ thì hôm qua 25/7 giá heo hơi đã bắt đầu quay đầu đi lên với mức tăng nhẹ từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng một tạ heo hơi.
Một số người chăn nuôi đã mạnh dạn tái đàn vào thời điểm giá heo hơi ở mức 3,5 triệu một tạ vì cho rằng giá heo thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên tái đàn hay không tái đàn là câu hỏi của đa phần người chăn nuôi thời điểm này.
Nếu tính riêng khu vực miền Bắc hiện tỉ lệ hộ chăn nuôi tái đàn lợn chỉ từ 5% đến 10%. |
Chị Nguyễn Thị Cúc ở Bắc Giang cho biết: "Mặc dù giá lợn hơi đang biến động khó lường nhưng thời điểm giá xuống còn khoảng 3 triệu một tạ lợn tôi đã tái đàn mới, tuy nhiên tôi chỉ vào 200 lợn con, khoảng 30% công suất chuồng của tôi mà thôi. Mặc dù quyết định tái đàn thời điểm này là nguy hiểm nhưng tôi vẫn muốn thử vận may, vừa tái đàn vừa quan sát thị trường xem thế nào. Tôi không dám vào số lượng lớn hơn vì nếu giá lợn mà xuống như trước thì chắc chuồng của tôi đợt này sập mất".
Còn khá nhiều băn khoăn, lo lắng sau khi bán đi hơn 100 con lợn hơi với giá 3,5 triệu một tạ. Ông Phạm Phương Nam ở Đồng Nai cho biết: "Đợt này tôi đang suy nghĩ xem có nên tái đàn không vì giá heo hơi lên xuống thất thường như cổ phiếu vậy. Giờ vào đàn cũng nguy hiểm mà không vào thì thời gian tới giá lên thì lại không có heo để bán, hơn nữa nhìn chuồng trại để không cũng sốt ruột.
Những lứa lợn trước tôi đều thua lỗ cả, nên dù đợt này giá có lên nhưng chưa đảm bảo. Giá cả cũng chưa có gì là ổn định. Nếu trong một, hai tháng nữa mà có vốn thì mới có thể tái đàn mới. Trong khi đó đầu ra vẫn chưa ổn định nên tôi chưa dám tái đàn thời điểm này", ông Nam chia sẻ.
Đợt tăng giá heo hơi vừa rồi đẩy giá heo con từ 200.000 đồng một con lên mức khoảng một triệu đồng một con. Tuy nhiên với mức giá này không phải là cao nếu tính trung bình so với các năm trước, thậm chí có năm giá heo con được đẩy lên mức 2 triệu đồng một con.
Có một thực tế là hiện tại giá heo giống đang ở mức ổn định một triệu đồng một con và nhiều hộ chăn nuôi, HTX đang rao bán nhưng hầu như chưa bán được nhiều vì người chăn nuôi đang rất thận trọng trong việc tái đàn.
Nếu tính riêng khu vực miền Bắc, hiện tỉ lệ hộ chăn nuôi tái đàn lợn chỉ từ 5% đến 10%. Các cơ quan chức năng khuyến cáo bà con chỉ nên duy trì đàn lợn hiện có và không nên tái đàn.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, đúng là thời gian gần đây có hiện tượng đột biến giá, khan hiếm tại một số vùng nhạy cảm do thiên tai, lũ lụt, song đó chỉ là hiện tượng cục bộ, không phản ánh được cho toàn thị trường.
Bên cạnh đó, khi thấy giá lợn bất ngờ tăng mạnh, một số chủ trại tạm thời dừng bán với hy vọng sẽ bán được giá cao hơn nên tạo hiện tượng khan hiếm giả. Một số hộ chăn nuôi khác nhanh chóng đi mua gom lợn con, lợn choai với hy vọng kịp bán ở vùng giá trên 40.000 đồng nên tạo ra tâm lí “sốt ảo” ngắn hạn.
Ngoài ra nếu những hộ chăn nuôi có ý định tái đàn trong thời điểm này cần phải xác định rõ hướng đi, mô hình hoạt động cần phải chuyên nghiệp và liên kết theo chuỗi, thành lập các HTX hay gia công cho các doanh nghiệp FDI.
Thực tế cho thấy cuộc khủng hoảng giá thịt heo vừa rồi đã chỉ ra những hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ dưới 100 con bị thua lỗ nặng nề nhất vì thiếu tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi, thiếu tính đồng bộ và bị động trong đầu ra cũng như thiếu thông tin thị trường.
Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, giai đoạn vừa qua cả nước tiêu thụ hết khoảng gần 2 triệu con lợn nên tổng đàn lợn của ta giảm từ 29 triệu con. Về lợn nái, số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi cũng ghi nhận mức giảm khoảng 500.000 - 570.000 con nên đàn nái cũng giảm từ 4,2 triệu con xuống 3,7 triệu con.