|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá heo hơi có thể tiếp tục tăng vì nguồn cung thiếu hụt sau bão Yagi

15:51 | 26/09/2024
Chia sẻ
Nguồn cung heo tại miền Bắc thiệt hại sau trận bão Yagi đã đẩy giá heo hơi tại khu vực này tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Nguồn cung heo có thể giảm mạnh trong những tháng tới 

Giá heo hơi trong nước hiện đang ở quanh mức 70.000 đồng/kg, ngưỡng cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Mức giá này phổ biến tại các tỉnh miền Bắc - nơi vừa phải trải qua đợt bão lũ lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Các khu vực khác như miền Trung - Tây Nguyên, miền Nam, giá heo hơi dao động trong khoảng 64.000 - 65.000 đồng/kg. Tính trung bình cả nước, giá heo hơi hiện khoảng 67.000 đồng/kg. 

 

Nguồn cung bị thiếu hụt đột ngột do đàn heo bị thiệt hại sau đợt mưa lũ đã đẩy giá heo hơi tăng trở lại. 

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cơn bão số 3 vừa qua khiến hơn 26.500 con gia súc và hơn 3 triệu con gia cầm bị thiệt hại.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng con số đàn heo thiệt hại thực tế cao hơn nhiều lần so với thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. 

“Có những trại 5.000 con ở Yên Bái, Lào Cai bị xoá sổ. Điều tương tự cũng xảy ra ở Thái Bình. Do đó con số của Bộ Nông nghiệp chưa phản ánh đầy đủ. Tôi e ngại rằng con số có thể lên tới hàng trăm nghìn con. Sắp tới đây, nếu xảy ra dịch bệnh thì đàn heo sẽ còn hao hụt tiếp. Khả năng cao, sắp tới nguồn cung sẽ giảm”, ông Trọng cho biết. 

Ông nói thêm giá sẽ còn có thể tăng hơn nữa. Tuy nhiên, thị trường miền Bắc hiện đang tồn tại một nghịch lý: chỗ bán rất rẻ, chỗ lại bán với giá rất đắt. 

Theo đó, ở những bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, nhiều hộ chăn nuôi chưa thể tái thiết lại chuồng trại nên phải bán tháo heo, chỉ khoảng 1,5 - 2,5 triệu đồng/con, tương đương bằng khoảng 1/3 so với thị trường. Còn ở những vùng không bị ảnh hưởng, các hộ chăn nuôi cho rằng mưa lũ, heo chết nhiều nên họ không vội bán để đẩy giá cao hơn. 

Ông đánh giá rủi ro thiếu hụt nguồn cung heo cho dịp Tết nguyên đán là hiện hữu. Trong đợt mưa bão vừa qua, nhiều hộ đang nuôi lứa heo để chuẩn bị cho Tết nhưng phần nhiều trong số này thiệt hại. Để nuôi heo thương phẩm, cần ít nhất 5 tháng, nhưng hiện tại đã bước sang tháng 9 (âm lịch), do đó việc tái đàn trở lại phục vụ cho dịp Tết là thách thức lớn. Bởi, để tái thiết lại chuồng trại, đảm bảo vệ sinh, chuẩn bị con giống và quan trọng hơn là nguồn vốn đang gặp thách thức rất lớn. 

“Không phải ngày một ngày hai có thể khôi phục hết hệ thống chuồng trại. Có những khu vực mất nhiều tháng cũng chưa chắc đã tái thiết xong. Ngoài ra, nếu sắp tới đây công tác vệ sinh không làm tốt nguy cơ cao các dịch bệnh nguy hiểm đối với heo như dịch tả Châu Phi sẽ bùng phát”, ông cho biết. 

Cần gỡ nút thắt về vốn

Hiện tại, ngành chăn nuôi các tỉnh đang trong giai đoạn tái thiết sau bão. Theo ông Trọng, để khắc phục hậu quả sau bão đối với ngành chăn nuôi heo nói riêng, điều cần làm đầu tiên là cần gỡ nút thắt về nguồn vốn.

Ông cho biết Nghị định 02 hỗ trợ cho thiên tai, dịch bệnh đã ban hành từ 2017 nhưng mức hỗ trợ “cực kỳ thấp”. Để sửa Nghị định này cần mất cả năm, do đó, Chính phủ cần có Nghị quyết để có cơ chế hỗ trợ đặc thù. 

Theo ông Trọng, thực tế việc tiếp cận vốn của các hộ chăn nuôi đang khó khăn bởi tài sản đảm bảo đã thiệt hại do mưa lũ.

“Bây giờ có vốn thì mới có thể phục hồi được. Nhưng những hộ chăn nuôi bị thiệt hại rất khó để tiếp cận bởi tài sản đảm bảo đã cuốn theo dòng lũ”, ông nói. 

Ngoài ra, theo ông trước mắt cần có cơ chế để khoanh nợ, giãn nợ, chuyển những khoản nợ ngắn hạn thành trung hạn. 

Tại Chỉ thị số 04 được phát đi ngày 25/9, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các ngân hàng khẩn trương cơ cấu nợ, miễn giảm lãi và xét duyệt vay mới. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc đối với an toàn, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. 

Đồng thời, các TCTD thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. 

Ngoài vốn, theo ông Trọng vấn đề về con giống cũng là điểm cần lưu tâm. Các cơ quan chức năng cần đánh giá chính xác về thiệt hại về con giống, nếu cần thiết, đẩy mạnh nhập khẩu giống giai đoạn 2020 - 2021. Nếu có nguồn ủng hộ con giống từ phía Nam, cần thiết phải đánh giá xem vùng nào đầy đủ điều kiện vệ sinh và cơ sở vật chất để tái đàn rồi mới đưa con giống vào, tránh mắc lại sai lầm như lần bão lũ miền Trung năm 2020.  

H.Mĩ