Giá hạt điều xuất khẩu bắt đầu phục hồi
Giá hạt điều xuất khẩu chạm đáy hơn một năm rưỡi |
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 8, xuất khẩu hạt điều đạt 17.400 tấn, trị giá 174,88 triệu USD, tăng 30,2% về lượng và tăng 46,7% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 16,3% về lượng và tăng 37,6% về trị giá.
15 ngày đầu tháng 8, giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 10.015 USD/tấn, tăng 12,6% so với 15 ngày đầu tháng 7, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 18,3%. Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 8, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt 9.859 USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, giá hạt điều trên thế giới vẫn chịu sức ép dư cung. Trong khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm điều toàn cầu chỉ tăng khoảng 5%/năm thì sản lượng sản xuất điều nhân của Việt Nam - quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều với thị phần lên tới 60%, tăng tới 25%/năm.
Tại cảng Delhi của Ấn Độ, giá hạt điều loại WW180 ngày 20/8 giảm 0,5% so với ngày 8/8; so với cùng kỳ tháng 7 giảm 1,4% xuống còn 1.067,5 Rupee/kg (tương đương 15,3 USD/kg). Giá hạt điều loại WW320 giảm 1% so với cùng kỳ tháng trước, ở mức 770 Rupee/kg (tương đương 11,1 USD/kg).
Theo Hiệp hội Việt Nam, việc giá điều liên tục lao dốc thời gian qua khiến 80% doanh nghiệp chế biến tại “thủ phủ” điều Bình Dương tạm ngừng hoạt động. Còn tại Long An, chỉ còn 12 trong số 33 cơ sở hoạt động cầm chừng.
Một tồn tại khác của ngành điều Việt Nam là phụ thuộc quá nhiều vào điều nguyên liệu nhập khẩu. Ông Nguyễn Đức Thanh - nguyên Chủ tịch Vinacas cho hay, nguồn nguyên liệu điều thô dùng để chế biến của Việt Nam chủ yếu dựa vào nhập khẩu, chiếm tới 70%. Trong khi đó, một số nước như Nigeria, Bờ biển Ngà định hướng hạn chế xuất khẩu điều thô khiến giá điều nhập khẩu bị đẩy lên cao.
Việc mua bán điều thô, nhân điều trở nên phức tạp, khó kiểm soát được giá cả, các doanh nghiệp cạnh tranh mua nguyên liệu và bán phá giá sản phẩm. Điều này ảnh hưởng tới các đối tác nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ở Mỹ, EU gặp khó khi nhập hàng đợt sau giá thấp hơn đợt trước. Hàng tồn kho đợt trước chưa đẩy ra kịp đã phải giảm cho đợt sau.