Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm tuần thứ 4 liên tiếp vì lo ngại nhu cầu từ Trung Quốc giảm
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam, Thái Lan tiếp tục giảm trong tuần này vì lo ngại về nhu cầu
Tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, giá gạo 5% tấm xuất khẩu giảm còn 395 USD/tấn so với mức 400 USD của tuần trước.
"Chúng tôi vẫn lo ngại về động thái áp các điều kiện khắt khe hơn đối với nhập khẩu từ Việt Nam của Trung Quốc, vì đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất", một thương nhân tại TP HCM cho biết.
"Điều này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm tới".
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm 39,1% trong 10 tháng đầu năm nay so với cùng kì năm trước, theo Bộ Công Thương.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm được niêm yết ở mức 385 - 393 USD (FOB) so với 390 - 393 USD ghi nhận trong tuần trước vì nhu cầu ảm đạm, các thương nhân cho biết và nói thêm thị trường có thể sẽ khá tĩnh vào giai đoạn năm mới.
"Có thông tin cho biết một số quốc gia láng giềng như Philippines vẫn muốn nhập khẩu thêm gạo, nhưng không có dấu hiệu nào trong giai đoạn này gợi ý liệu có những giao dịch mới hay không", một thương nhân gạo ở Bangkok nói.
Nguồn cung gia tăng dần nhờ thu hoạch theo mùa trong giai đoạn tháng 12 - tháng 1 có thể khiến giá gạo tiếp tục giảm, một thương nhân khác cho biết.
Ảnh minh họa. |
Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ đi ngang
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm tại nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ không thay đổi so với tuần trước ở mức 364 - 368 USD/tấn.
"Chúng tôi đã giảm giá trong vài tuần qua sau khi quyết định trợ cấp được công bố, nhưng nhu cầu vẫn còn yếu", một nhà xuất khẩu gạo có trụ sở tại Kakinada, miền nam bang Andhra Pradesh cho biết. Người này nói thêm không thể giảm giá hơn nữa, trong khi giá thóc thu mua tại địa phương vẫn ổn định.
Chính phủ Ấn Độ sẽ trợ cấp 5% cho xuất khẩu gạo non-basmati trong 4 tháng tính đến ngày 25/3/2019, Bộ thương mại Ấn Độ cho biết vào tháng trước.
Bên cạnh đó, vụ mùa Aman (giao vào mùa hè và gặp vào mùa đông) của quốc gia láng giềng Bangladesh, có khả năng lên tới 14 triệu tấn so với mức 13,5 triệu tấn của năm trước, nhờ thời tiết thuận lợi, theo ông Mohammad Mohsin, Tổng cục trưởng Cục Khuyến nông.
Aman, vụ mùa lớn thứ hai sau vụ hè Boro, chiếm khoảng 38% tổng sản lượng của Bangladesh, khoảng 35 triệu tấn.
Quốc gia Nam Á, nổi lên là nhà nhập khẩu lớn trong năm 2017 sau khi lũ lụt tàn phá mùa màng, đã áp thuế 28% để hỗ trợ nông dân khi sản xuất tại địa phương hồi sinh trong năm nay.