|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo Việt Nam giảm khi vào vụ thu hoạch chính

12:16 | 31/03/2017
Chia sẻ
Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm vì nguồn cung tăng mạnh; trong khi giá gạo Ấn Độ và Thái Lan đều tăng nhờ nội tệ tăng so với USD.
Nguồn cung gạo Thái Lan dự báo sẽ về mức kỷ lục
Giá gạo Việt Nam và Ấn Độ giảm, gạo Thái tăng nhờ baht
Giá gạo Việt Nam giảm khi vào vụ thu hoạch chính. (Ảnh: Reuters).

Theo thống kê từ số liệu của Reuters, đây là tuần giảm thứ hai liên tiếp của giá gạo Việt Nam nhưng là tuần tăng thứ hai liên tiếp của giá gạo Thái Lan.

Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch chính từ cuối tháng 3. Nguồn cung theo đó bắt đầu tăng mạnh, kéo giá gạo 5% tấm xuất tại cảng TP Hồ Chí Minh giảm 2 - 5 USD xuống 348 - 350 USD/tấn trong tuần này.

"Giá gạo giảm khi nông dân bắt đầu thu hoạch vụ chính, nhưng chúng tôi vẫn không thể bán ra vì giá gạo Thái Lan đang rất cạnh tranh. Phần lớn hợp đồng nhập khẩu gạo hiện này vẫn là từ Trung Quốc," một thương lái ở TP Hồ Chí Minh cho biết.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, xuất khẩu gạo quý I của Việt Nam sẽ giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,19 triệu tấn. Trước đó, Việt Nam chỉ xuất khẩu được gần 4,9 triệu tấn gạo trong năm 2016, giảm 26,5% so với năm kế trước và cũng là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Theo Bộ, xuất khẩu giảm vì biến đổi khí hậu kéo giảm sản lượng sản xuất.

Hiện tại, thị trường Việt Nam đang theo dõi sát những thông tin liên quan đến nhu cầu tiêu thụ gạo của Philippines - một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, bộ trưởng nông nghiệp Philippines cho biết chính phủ nước này không có nhu cầu nhập khẩu ngay 250.000 tấn gạo như trước đó thông báo.

Ngược lại, giá gạo Ấn Độ và Thái Lan tăng nhờ đồng nội tệ tăng giá so với USD.

Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo đồ 5% tăng 2 USD so với tuần trước lên 373 - 378 USD/tấn. Các công ty xuất khẩu buộc phải nâng giá gạo xuất khẩu vì đồng rupee tăng lên sát đỉnh 18 tháng so với đồng bạc xanh.

"Chúng tôi phải tăng giá gạo vì đồng rupee tăng so với USD. Tuy nhiên, đồng rupee vẫn thấp hơn so với tháng trước," đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu ở bang Andhra Pradesh nói.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ gạo Ấn Độ vẫn chưa cải thiện so với tuần trước. "Phía châu Phi đang hỏi mua nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn rất yếu ớt," một doanh nghiệp xuất khẩu khác cho biết.

Trong khi đó, sản lượng gạo của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 4,3% lên kỷ lục 108,86 triệu tấn trong niên vụ 2016 - 2017.

Tương tự tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, giá gạo 5% tấm xuất tại cảng Bangkok tăng lên 350 - 365 USD/tấn trong tuần này.

Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Thái Lan tăng giá gạo xuất khẩu cũng vì tỷ giá THB/USD tăng, dù nhu cầu tiêu thụ vẫn yếu.

"Đồng baht tiếp tục tăng giá, nhưng giá gạo thực tế cũng không tăng nhiều," một thương lái tại Bangkok cho biết.

Tính 6h15 ngày 30/3, tỷ giá USD/THB giao ngay là 34,49 baht từ mức 34,58 của một tuần trước đó, theo số liệu của Reuters.

Tuần trước, chính phủ Thái Lan tổ chức một phiên đấu giá để bán số gạo hỏng phục vụ cho ngành công nghiệp. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được thông báo.

"Thị trường gạo Thái Lan khá trầm lắng trong suốt 3 tháng qua. Thị trường không có đột biến, vẫn chỉ là những đơn hàng thông thường," đại diện của một doanh nghiệp xuất khẩu tại Bangkok nhận định.

Tuần trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Ấn Độ đồng loạt giảm vì nhu cầu suy yếu trong khi giá gạo Thái lại được hỗ trợ bởi đà tăng giá của baht.

Kim Dung