Giá gạo Việt Nam và Ấn Độ giảm, gạo Thái tăng nhờ baht
Giá gạo Việt Nam và Ấn Độ giảm, gạo Thái tăng nhờ baht. (Ảnh: Reuters). |
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giao tại cảng TP Hồ Chí Minh giảm xuống 350 - 355 USD/tấn do nguồn cung tăng. Hiện tại, Việt Nam đang trong thời kỳ vụ hoạch vụ lúa chính.
"Nhu cầu tiêu thụ gạo trên toàn cầu không quá lớn nhưng Thái Lan vẫn tiếp tục giải phóng tồn kho ra thị trường," một thương lái ở TP Hồ Chí Minh cho biết khi đề cập đến nguyên nhân khiến giá gạo giảm.
Trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm tới 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 738.000 tấn, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Trước đó, xuất khẩu gạo cả năm 2016 của Việt Nam cũng chỉ đạt 4,8 triệu tấn, giảm tới 26,5% so với năm kế trước.
Tại Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo đồ 5% tấm cũng giảm 1 USD xuống 371 - 376 USD/tấn trong tuần này do nhu cầu suy yếu.
"Với mức giá hiện nay, gạo Ấn Độ không thể cạnh tranh với các nước khác. Vì đồng rupee tăng giá nên chúng tôi không thể hạ giá bán," đại diện của một doanh nghiệp xuất khẩu ở bang Andhra Pradesh cho biết.
Hiện tại, đồng rupee của Ấn Độ đang giao dịch ở sát mức cao nhất gần 17 tháng. Kết quả là, lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu bị giảm đáng kể.
"Dù giá gạo liên tiếp giảm nhưng giá thóc tại Ấn Độ lại khá ổn định. Xuất khẩu gạo trong những tháng tới theo đó có thể sẽ giảm vì nguyên nhân này," một doanh nghiệp xuất khẩu khác ở Kakinada nói.
Trước đó, chính phủ Ấn Độ dự báo, sản lượng gạo niên vụ 2016 - 2017 của nước này sẽ tăng 4,3% lên kỷ lục 108,86 triệu tấn.
Ngược lại tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giao tại cảng Bangkok tăng lên 350 - 362 USD/tấn. Giới thương lái cho hay, giá gạo xuất khẩu tăng nhờ tỷ giá THB/USD chạm mốc 34,66 baht trong tuần này.
"Baht tăng giá nhưng nhu cầu tiêu thụ gạo vẫn yếu ớt," một thương lái ở Bangkok cho biết.
Ngày 23/3, chính phủ Thái Lan tổ chức đấu giá số gạo hỏng vốn được sử dụng cho mục đích công nghiệp. Kết quả hiện vẫn chưa được công bố.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới đã bán được 3,6 triệu tấn gạo kể từ đầu năm đến ngày 21/3, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra tại Trung Quốc, Trung tâm Thương mại Ngũ cốc Quốc gia cũng cho biết phiên chào bán 507.242 tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia trong ngày 14/3 đã thất bại khi không có người mua. Điều này càng chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ gạo của thị trường thế giới vẫn rất yếu ớt.
Nhu cầu tiêu thụ yếu ớt trong khi nguồn cung lại khá dồi dào sẽ là yếu tố gây áp lực giảm lên thị trường gạo trong thời gian tới.
Mới đây, Bộ Thương mại Myanmar cho biết, nước này đã xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo tính từ đầu tài khoá 2016/17 tới ngày 3/3, tăng 70.000 tấn so với tài khoá trước. Tại Indonesia, sản lượng gạo của khu vực Trung Sulawesi cũng đang ở mức cao kỷ lục, dư thừa tới 280.000 tấn.