|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá đường Việt có thể nối tiếp đà tăng của thế giới trong năm 2021

13:30 | 16/01/2021
Chia sẻ
Trước xu hướng giá đường thế giới và giá hàng hoá nói chung tăng, cùng làn sóng thông tin xoay quanh quyết định điều tra chống bán phá giá, giá đường Việt Nam đang tăng và có thể vượt mốc 16.000 đồng/kg trong thời gian tới.

Ngành đường thế giới đối mặt rủi ro thiếu nguồn cung

Giá đường Việt có thể nối tiếp đà tăng của thế giới trong năm 2021 - Ảnh 1.

Biểu đồ giá đường thô thế giới cập nhật tới ngày 15.1. Nguồn: Tradingeconomics

Theo số liệu từ tradingeconomics, giá đường thô trên sàn giao dịch quốc tế ICE ngày 15/1, ở mức gần 16,73 cents/lbs (tương đương 0,37 USD/kg). Đây là mức hồi phục mạnh mẽ 37% so với mức đáy 9 cents/lbs (tương đương 0,2 USD/kg) ghi nhận ngày 28/4 năm ngoái. 

Nhìn lại tuần đầu tiên của năm 2021, giá đường thô đã tăng từ khoảng 0,35 USD/kg lên 0,36 USD/kg. Dù ngay sau đó có một đợt giảm nhưng vùng giá của đường thô trong hai tuần đầu tháng 1 hiện vẫn cao nhất tính từ tháng 5.2020.

Giá đường đang được hỗ trợ bởi kỳ vọng kinh tế toàn cầu phục hồi nhờ vắc xin Covid-19 và hiện trạng nguồn cung thấp ở Thái Lan và Brazil. Trong niên vụ 2020 - 2021, sản lượng đường của Thái Lan dự kiến giảm xuống 70 triệu tấn so với mục tiêu 75 triệu tấn vì tình hình hạn hán và số đồn điền trồng mía suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Mặt khác, Brazil cũng đang trải qua điều kiện thời tiết khô hạn hơn bình thường, dẫn tới sản lượng đường có thể sụt giảm trong vụ mùa mới. Trong khi đó, một số lượng đáng kể nông dân nước này đã chuyển mía sang sản xuất ethanol cho nhu cầu trong nước thay vì đường, bởi mặt hàng này mang lại lợi nhuận cao hơn.

Tradingeconomics dự kiến trong thời gian tới, nguồn cung đường sẽ vẫn khan hiếm ít nhất đến tháng 4. Trong khi đó, ước tính lượng đường tiêu thụ thế giới sẽ tăng lên 174,6 triệu tấn khi nhu cầu vài quốc gia tăng trở lại sau dịch.

Rabobank đưa ra dự báo thâm hụt đường toàn cầu trong niên vụ 2020 - 2021 sẽ lên tới 3 triệu tấn. Một khi sản lượng sụt giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng cao, đường thế giới sẽ tiếp tục có xu hướng tăng giá trong năm 2021.

Giá đường Việt sẽ nối tiếp đà tăng của thế giới trong năm 2021?

Giá đường Việt có thể nối tiếp đà tăng của thế giới trong năm 2021 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnamplus/TTXVN)

Cùng với xu hướng giá đường tăng của thế giới, các chuyên gia phân tích tin rằng giá đường Việt có thể phá ngưỡng 16.000 đồng/kg và có thể tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Một yếu tố quan trọng giúp giá đường Việt tăng là những thông tin xoay quanh việc Bộ Công Thương quyết định điều tra áp thuế phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu. Thuế này dự kiến sẽ tạo hàng rào bảo vệ thị trường nội địa và ổn định giá đường đang ở mức thấp vì đường phá giá Thái Lan và đường lậu tăng cường thâm nhập thị trường.

Giá đường Việt có thể nối tiếp đà tăng của thế giới trong năm 2021 - Ảnh 3.

Bên cạnh lực đẩy từ thị trường thế giới, giá đường trong nước cũng có xu hướng tăng theo tình hình tăng vượt đỉnh trong 5 năm qua của nông sản Việt nói chung.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết giá đường kính trắng Hà Nội và TP.HCM đã lần lượt tăng từ 12.500-12.900 đồng/kg đầu tháng 10.2020 lên 13.500-13.800 đồng/kg trong giữa tháng 12.2020. 

Như vậy giá đường trong nước đã tăng khoảng 30% trong quý cuối năm 2020 (so với cùng kỳ năm 2019), trong khi giá đường thế giới tăng khoảng 10% cùng kỳ. Tuy vậy VSSA nhận định giá đường Việt trong hai tháng cuối năm 2020 vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Trong lúc này, nhiều đơn vị sản xuất cũng bắt đầu tăng giá thu mua mía. Nhà máy đường An Khê trực thuộc công ty đường Quảng Ngãi đã tăng giá thu mua mía nguyên liệu hơn 100 đồng/kg so với vụ 2019-2020, đẩy giá mía nguyên liệu năm nay tại tỉnh Gia Lai lên 900 đồng/kg với mía đạt 10 chữ đường. 

Trong khi đó, công ty cổ phần mía đường Sơn Dương cũng cam kết thu mua với giá 900 đồng/kg với vùng nguyên liệu có cự ly từ 30 km trở xuống và 850 đồng/kg với vùng nguyên liệu còn lại (tăng 500 đồng/kg so với vụ ép năm 2019-2020).

Bích Thu