Giá đường ổn định, phía Nam gia tăng nạn nhập lậu
Sau khi giữ mức tăng trong ba tháng, giá đường giao kì hạn tại London tháng 7 có xu hướng giảm từ mức 330,95 USD/tấn (ngày 28/6) xuống mức 322,7 USD/tấn (ngày 2/7) và có thời điểm giảm còn 305 USD/tấn (ngày 15/7). Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay và ghi nhận 327,85 USD/tấn (ngày 31/7).
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), giá bán buôn đường kính trắng tháng 7 trong nước có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước.
Nguồn: VSSA
Giá đường lậu Thái Lan trong tháng 7 tại một số tỉnh thành gồm TP HCM: 10.800 – 11.200 đồng/kg; Đông Hà: 10.300 – 10.400; Lao Bảo: 10.000 – 10.200; Biên giới Tây Nam: 10.600 – 11.000; tại Huế, Đồng Hới: 10.700 – 10.800; tại một số tỉnh miền Bắc như Nghệ An, Nam Định dao động trong khoảng 11.000 – 11.300 đồng/kg.
Tháng 8 được dự báo nguồn cung đường dồi dào, đáp ứng đủ mọi nhu cầu cho vụ Tết Trung thu tăng, giá đường khả năng ổn định. Tuy nhiên, đường lậu hiện gia tăng tại khu vực phía Nam, vì vậy, công tác chống buôn lậu đường cần tiếp tục được quan tâm.
Các đối tượng buôn lậu hiện đang dùng thủ đoạn đưa bao bì in trong nước, đem sang bao ở nước ngoài (thường là Campuchia), như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho sẽ khó chứng minh có phải đường lậu hay không.
Theo quy định hiện hành, khi hàng qua hết biên giới có hóa đơn là hợp pháp. Trong một số rất ít trường hợp, khi họ sử dụng bao bì của các nhà máy sản xuất đường kính trắng (RS) và đóng đường luyện Thái Lan vào, có thể lấy mẫu đi phân tích ở trung tâm 3 để xác định nhưng rất mất thời gian và cũng rất khó cho cơ quan chức năng.
Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam đã khuyến cáo các đơn vị khẩn trương thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi vào vụ ép 2019-2020, gồm các thủ tục mã hóa, nhận diện nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong và sau quá trình sản xuất, lập báo cáo kết quả truy xuất sau khi kết thúc quá trình truy xuất lô hàng sản xuất/lô hàng xuất...
Đặc biệt các đơn vị đang có sản phẩm bị nhái bao bì như: TTC Biên Hòa, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Daklak... sau khi thiết lập xong cần báo cáo cho VSSA để phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn hoạt động của các đối tượng buôn lậu.
Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam dự kiến sẽ đề xuất với các cơ quan nhà nước đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường.
Đối với các đơn vị thành viên gặp khó khăn trong việc thiết lập hệ thống truy xuất chống hàng giả sử dụng mã QR code, cần liên lạc với VSSA để được hỗ trợ.