Giá điều thô năm nay khó có cơ hội giảm
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, cuối tháng 8, tại Campuchia, Hiệp hội Hạt điều Kampong Thom đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ do đang gặp khó khăn về tài chính và không thể mua hạt điều từ nông dân để cung ứng cho thị trường nội địa lẫn quốc tế. Hiệp hội này đã lên kế hoạch mua 200 tấn điều thô để chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nhưng chỉ có thể mua 6 tấn do thiếu vốn.
Bởi vậy, giá điều thô đã tăng từ khoảng 1,7 USD lên gần 2 USD/kg, trong khi điều chế biến được bán lên với giá 15 USD/kg. Nguyên nhân đẩy giá tăng là do trong vài năm qua, nông dân Campuchia chuyển sang sản xuất các cây trồng khác, khiến sản lượng điều sụt giảm.
Các thị trường xuất khẩu điều hiện tại của Campuchia là Trung Quốc và Hàn Quốc. Nước này cũng đang lên kế hoạch mở rộng sang Thái Lan và Việt Nam.
Theo Vinacas, đến đầu tháng 9 giá điều thô Châu Phi ở 1.450-1.850 USD/tấn. Trong giai đoạn giữa vụ mùa năm 2014-2016, bình quân tăng khoảng 30%. Các nhà nhập khẩu điều thô của Indonesia rao ở mức 2.230 USD/tấn. Trong năm nay, giá điều thô sẽ khó có cơ hội giảm.
Nguồn tin từ báo Bình Phước cho biết, chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh nhận định, mùa điều 2016-2017 giá vẫn tốt dù không ở mức cao đỉnh điểm như thời điểm này. Nguyên nhân là do người tiêu dùng trên thế giới đang hướng tới các loại thực phẩm hạt để bảo vệ sức khỏe, trong đó có hạt điều.
Đặc biệt từ năm 2014, giá điều thô nguyên liệu vẫn ổn định ở mức cao do công suất chế biến tăng nóng và hạt điều của Việt Nam nổi trội hơn hẳn về chất lượng so với điều khu vực châu Phi và các nước Đông Nam Á.
Sau khi Vinacas tổ chức nhiều chương trình đầu tư mô hình ghép chồi để cải tạo vườn điều chất lượng kém ở Bình Phước và Đồng Nai, đồng thời chú trọng quảng bá hình ảnh hạt điều Việt Nam nên chất lượng và giá điều đã tiếp tục được nâng lên.
Cụ thể, năm 2015, tại tỉnh Bình Phước, năng suất bình quân của điều đạt 1,4 tấn/ha. Tuy nhiên, sang tới năm 2016, do ảnh hưởng của hạn hán nên năng suất chỉ đạt 1,1 tấn/ha.