|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá điện mặt trời 'giảm sốc', nhà đầu tư vẫn hào hứng

12:12 | 26/09/2019
Chia sẻ
Dòng vốn ngoại vẫn không ngừng chảy vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam, nhất là điện mặt trời, dù chính sách giá ưu đãi đã hết hạn từ 30/6/2019.

Dòng vốn ngoại vẫn không ngừng chảy vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam, nhất là điện mặt trời, dù chính sách giá ưu đãi đã hết hạn từ 30/6/2019. Đây là lý do sự chú ý của thị trường đang đổ dồn vào dự thảo giá điện mới của Bộ Công thương với nhiều thay đổi so với các dự thảo trước đây.

Không phân vùng và điều chỉnh giá xuống

Cục Ðiện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) vừa hoàn thiện dự thảo về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mới, thay thế Quyết định 11/2017 đã hết hiệu lực từ tháng 6/2019.

Theo đó, thay đổi lớn nhất của dự thảo này so với bản dự thảo Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ cách đây 2 tháng là việc chính sách giá điện mặt trời (giá FiT) sẽ chỉ còn một mức trên cả nước, thay vì chia làm 4 vùng hoặc 2 vùng (theo cường độ bức xạ) như đề xuất trước đây.

Bên cạnh đó, mức giá mua điện mặt trời của các dự án nối lưới cũng được điều chỉnh theo xu hướng giảm. Cụ thể, dự án điện mặt trời mặt đất có giá 1.620 đồng/kWh, tương đương 7,09 cent/kWh; dự án điện mặt trời nổi là 1.758 đồng/kWh, tương đương 7,69 cent/kWh; điện mặt trời mái nhà là 2.156 đồng/kWh, tương đương 9,35 cent/kWh.

Như vậy, giá điện mặt trời áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời nối lưới vận hành sau tháng 6/2019 sẽ giảm mạnh, từ mức hơn 2.086 đồng/kWh (khoảng 9,35 cent/kWh) xuống còn 1.620 đồng/kWh.

Chỉ có phương án giá điện áp dụng với các dự án điện mặt trời mái nhà là vẫn giữ nguyên ở mức 9,35 cent/kWh đến hết năm 2021.

Giá mua điện này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày 31/12/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/8, Bộ Công thương cho biết vẫn giữ quan điểm sẽ chia theo khu vực, không để một giá đối với điện mặt trời.

Trong đó, phương án chia thành 2 vùng (vùng 1 gồm 6 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai, Ðắk Lắk và vùng 2 là các tỉnh còn lại) nhận được đa phần các ý kiển ủng hộ so với phương án chia thành 4 vùng.

Dòng vốn ngoại chảy mạnh

Với tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo lớn, khung chính sách cho hoạt động đầu tư dần được hoàn thiện, Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất khu vực Ðông Nam Á, theo nhận định của WWF Việt Nam.

Trong bối cảnh này, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tích cực chảy vào thị trường năng lượng tái tạo Việt, nhất là điện mặt trời trong khoảng 1 năm qua, nhờ lực đẩy từ chính sách thu mua giá điện ở mức cao.

Năm 2018, 3.466 MW năng lượng tái tạo đã được lắp đặt. Ðến hết ngày 30/6/2019, cả nước có 87 nhà máy điện mặt trời được đóng điện với công suất gần 4.500 MW, kịp thời được hưởng mức giá ưu đãi 9,35 cents/kWh.

Ngay cả khi chính sách giá mới đối với điện mặt trời chưa rõ ràng, dòng vốn ngoại vẫn không ngừng chảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Giá điện mặt trời 'giảm sốc', nhà đầu tư vẫn hào hứng - Ảnh 1.

Tiến độ đưa vào vận hành của điện mặt trời tăng đột biến trong quý 2/2019

 Chẳng hạn, tháng 8/2019, Tập đoàn Scatec Solar (Na Uy) cho biết có chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời nổi Trị An có công suất 1.000 MW, bằng 25% công suất điện mặt trời Việt Nam hiện tại.

Ðây là nhà máy điện mặt trời thứ 4 của Scatec Solar tại Việt Nam. Chưa kể, từ đầu năm 2019 tới nay, hàng loạt các doanh nghiệp tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đều mạnh tay rót vốn vào thị trường năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam.

Như vậy, với việc giá ưu đãi mua điện mặt trời sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm xuống, nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận ra sao về câu chuyện này?

Chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Ojasvi Gupta, Phó chủ tịch (Quản lý vốn và rủi ro) Amplus Energy Solution cho biết, về cơ bản, mức giá bán điện tại các dự án điện mặt trời phụ thuộc chủ yếu vào cường độ bức xạ, bởi chi phí đầu tư vào các nhà máy năng lượng mặt trời trên cả nước không có chênh lệch lớn.

Tại Việt Nam, cường độ bức xạ có sự chênh lệch từ 15 - 20% tại các vùng khác nhau (theo phương án chia vùng).

Trong trường hợp áp dụng một giá mua điện mặt trời trên cả nước, các nhà đầu tư, phát triển năng lượng điện mặt trời sẽ chỉ chú trọng đầu tư dự án tại các khu vực có cường độ bức xạ lớn và điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải đáp ứng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng (giải phóng mặt bằng, hệ thống truyền tải và phân phối).

Hiện tại, mức giá mua điện mặt trời của Việt Nam tương đối hấp dẫn so với các nước trong khu vực, do đó, khi điều chỉnh giá xuống, sức hút tuy có giảm sút nhưng không khiến hoạt động đầu tư đi xuống.

Từ góc nhìn nhà đầu tư, ông Ojasvi Gupta cho rằng, chắc chắn năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng chính để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Ðể thúc đẩy hoạt động đầu tư lĩnh vực này, tạo sức hút với dòng vốn nước ngoài, vấn đề hiện tại là cải thiện cơ sở hạ tầng và hoàn thiện khung pháp lý.

Theo đó, các dự án điện mặt trời có sự tăng trưởng vượt bậc trong 1 năm trở lại đây, nhưng hệ thống truyền tải chưa được thiết lập và cải thiện phù hợp với sự tăng tốc của các dự án. Do đó, vấn đề đầu tiên và trước nhất là cần nâng cấp hệ thống truyền tải.

Ðồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng cơ chế DPPA (hợp đồng mua bán điện trực tiếp) sẽ được ban hành. DPPA cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam đấu thầu mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

“Quy hoạch điện của Việt Nam đặt mục tiêu năng lượng tái tạo sẽ chiếm tỷ trọng 20% tổng nguồn năng lượng tại Việt Nam trong 10 năm tới. 

Ðiều này đòi hỏi cần có chiến lược nâng cấp hệ thống truyền tải và có thêm các chính sách tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh hơn vào lĩnh vực này, bao gồm DPPA, hướng dẫn đầu tư Ðiện mặt trời áp mái…”, ông Ojasvi Gupta nói và cho biết, Amplus có kế hoạch phát triển dài hạn tại Việt Nam.

Amplus Solar là chủ sở hữu và nhà điều hành hàng đầu về sản phẩm năng lượng mặt trời phân tán/áp mái cho khách hàng thương mại và công nghiệp. Ðây là công ty con thuộc sở hữu của Petronas, công ty đa quốc gia về dầu khí của Malaysia.


Lam Phong