Giá dầu tăng mạnh nhất hơn 1 tháng
Giá dầu thô phiên 11/1 bật tăng sau hai phiên bị bán tháo. Nguồn: REUTERS/Max Rossi |
Cụ thể, giá dầu Brent chốt phiên 11/1 tăng 2,7% lên 55,10 USD/thùng trên sàn ICE châu Âu. Tương tự trên sàn Nymex, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 2,8% lên 52,25 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng dầu này đều ghi nhận phiên tăng giá mạnh nhất kể từ ngày 1/12.
Theo giới chuyên gia, USD suy yếu là động lực chính giúp giá dầu lấy lại phần lớn những gì đã mất trong hai phiên trước.
Tính đến phiên 10/1, giá dầu thô bị bán tháo mạnh xuống thấp nhất gần 1 tháng do USD tăng và thị trường gia tăng lo ngại về thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Hiệp hội các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Tuy nhiên sang đến phiên 11/1, USD bắt đầu giảm mạnh trong suốt buổi họp báo của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, với chỉ số ICE Dollar giảm 0,2%. USD giảm sẽ kích thích nhu cầu nhập khẩu dầu của thị trường quốc tế.
Trong khi đó tại OPEC, hướng tới cam kết cắt giảm sản lượng đã ký kết vào cuối năm ngoái, Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - vừa tuyên bố với một số khách hàng châu Á sẽ cắt giảm nhẹ nguồn cung từ tháng 2/2017.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về tình hình nguồn cung tại các khu vực sản xuất dầu lớn khác trên thế giới. Cụ thể, số lượng giàn khoan đang hoạt động tại Bắc Mỹ liên tục tăng trong khi giới thương nhân châu Âu, Trung Quốc lại đang tăng cường xuất khẩu dầu từ Biển Bắc và Azerbaijan sang châu Á trong tháng này với tổng khối lượng lên kỷ lục 22 triệu thùng.
Hơn nữa, Iraq - nước sản xuất dầu lớn thứ 2 của OPEC cũng đang lên kế hoạch tăng xuất khẩu dầu thô từ cảng Basra lên cao kỷ lục ở 3,641 triệu thùng.
Một thông tin không mấy tích cực với thị trường dầu mỏ nữa là, Ủy ban Thông tin Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng 110.000 thùng trong năm 2017 lên 9 triệu thùng/ngày.
Tất cả những yếu tố này có thể kìm hãm đà phục hồi của giá dầu trong trung hạn, ít nhất là cho tới khi OPEC kết thúc giai đoạn cắt giảm sản lượng vào cuối tháng 6/2017.