|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu mất mốc 100 USD/thùng, chuyên gia nói thị trường đang ‘nghỉ xả hơi’

17:43 | 26/04/2022
Chia sẻ
Theo một số chuyên gia, các đợt phong tỏa tại Trung Quốc có thể kéo nhu cầu dầu thô toàn cầu sụt mạnh. Vô hình trung, điều này lại giúp giá dầu hạ nhiệt trong ngắn hạn.

Giá dầu đột ngột quay đầu

Trong một diễn biến bất ngờ, giá dầu thô thế giới vừa tụt mất mốc 100 USD/thùng. Cụ thể, ghi nhận vào sáng ngày 25/4, giá dầu WTI của Mỹ đã giảm khoảng 4,9% xuống còn 97,7 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu Brent chuẩn quốc tế mất 4,6% xuống còn 101,7 USD/thùng.

Giá “vàng đen” quay đầu giảm sau khi số ca nhiễm COVID-19 tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc bật tăng, khiến chính quyền địa phương phải đẩy mạnh xét nghiệm hàng loạt và công chúng lo lắng về việc chịu chung cảnh phong tỏa với Thượng Hải, dẫn đến hiện tượng tích trữ hàng hóa trong hoảng loạn.

Ngoài ra, số ca tử vong tại trung tâm tài chính Thượng Hải bất ngờ đi lên càng làm khoét sâu nỗi bất an trong lòng người dân ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo AFP, trong ngày 24/4, giới chức y tế Thượng Hải đã công bố 39 ca tử vong, một con số cao kỷ lục trong đợt dịch lần này.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Tờ Financial Times cho biết thịt cá, rau củ và đồ ăn để được lâu trên các kệ ở các siêu thị Bắc Kinh đã bị mua sạch. Một số ứng dụng giao hàng tạp hóa trực tuyến cũng không còn thực phẩm để bán. Tại một cửa hàng tạp hóa ở trung tâm Bắc Kinh, có thời điểm hơn 100 người đứng xếp hàng để được vào cửa.

Cô Shi Wei, nhân viên khách sạn ở Bắc Kinh, chia sẻ: “Tôi đang mua trữ đồ một cách lý trí. Người ta nói cẩn tắc vô ưu.

Đồng nghiệp của tôi ở Thượng Hải nhận ra điều này quá muộn màng nên đang thúc giục tôi tích trữ càng nhiều càng tốt, ít nhất đủ đồ dùng cho một tháng. Bạn đừng mong chờ may mắn, phải biết tự lo cho bản thân”.

Ở Trung Quốc, không có gì lạ khi cả khu dân cư phải cách ly trong ít nhất hai tuần nếu phát hiện ca nhiễm COVID-19. Những cuộc phong tỏa quy mô nhỏ này đã diễn ra rải rác ở Bắc Kinh trong vài tháng gần đây. Tuy nhiên, xét nghiệm hàng loạt ngầm báo hiệu phạm vi phong tỏa sẽ rộng hơn.

Thị trường tạm “nghỉ xả hơi”

Chiến lược không khoan nhượng của Bắc Kinh đối với COVID-19 là mối đe dọa lớn nhất đối với đà tăng của giá dầu. “Có vẻ như Trung Quốc chính là con voi lớn trong căn phòng”, nhà phân tích Jeffrey Halley của hãng môi giới OANDA chia sẻ với Reuters.

Việc chính quyền địa phương thắt chặt các biện pháp chống dịch ở Thượng Hải và lo ngại làn sóng Omicron lan tới thủ đô Bắc Kinh đã làm dấy lên tâm lý hoang mang trên thị trường dầu mỏ, ông Halley thông tin thêm.

Ông Keshav Lohiya - nhà sáng lập công ty tư vấn Oilytics, có cùng quan điểm: “Câu chuyện dẫn dắt thị trường tiếp tục sẽ là Trung Quốc. Ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô trong nước sẽ đáng kể hơn nếu Bắc Kinh nối gót Thượng Hải phong tỏa quy mô lớn”.

Chia sẻ với Fortune, ông Claudio Galimberti - Phó Chủ tịch cấp cao tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, kết luận thêm: “Chiến sự đang diễn ra ở Ukraine, các đợt phong tỏa ở Trung Quốc và giá năng lượng tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm nay. Các yếu tố này có khả năng làm dịu giá dầu”.

Bên cạnh đó, giá dầu suy yếu có khả năng còn do Mỹ tăng lãi suất. USD mạnh lên làm các hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này như dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền tệ khác, cũng như làm tăng tâm lý ngại rủi ro ở nhà đầu tư.

Rystad ước tính, nhu cầu dầu thô sẽ giảm khoảng 1,4 triệu thùng/ngày và cơ hội phục hồi ít nhất phải đến năm 2023 mới xuất hiện. Hãng này cho rằng nhu cầu dầu trung binh năm nay sẽ đạt 99,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức cao năm 2019 là 100,2 triệu thùng/ngày.

“Nhu cầu giảm là kết quả trực tiếp khi hoạt động kinh tế trên toàn cầu chững lại”, ông Galimberti nói. “Mặc dù nguồn cung vẫn tiếp tục bị thắt chặt, nhu cầu sụt giảm sẽ tạo cơ hội cho giá dầu toàn cầu nghỉ xả hơi một thời gian”.

Khả Nhân