|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá dầu diesel: Tác nhân gây lạm phát mà nhiều người bỏ quên

06:53 | 02/04/2022
Chia sẻ
Theo nhiều nhà nghiên cứu, giá dầu diesel cao đang là nguyên nhân lớn gây ra lạm phát tại khắp nơi trên thế giới.

Theo CNBC, kể cả trước cuộc xung đột Ukraine diễn ra, dầu diesel - loại nhiên liệu giúp vận hành nền kinh tế toàn cầu - đã ở trong tình trạng thiếu hụt, khiến cho lạm phạt tăng cao.

Giá dầu diesel đang làm tăng lạm phát

Ông Tom Kloza, trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng toàn cầu tại OPIS nói: “Tôi bắt đầu sử dụng thuật ngữ ‘khủng hoảng’ diesel. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra trước mắt chúng ta. Tôi sẽ không loại trừ khả năng thiếu hụt dầu hoặc giá lên tới 1,6 USD/lít diesel. Hiện tại thì thiếu hụt vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, Châu Âu có vẻ đang hướng tới một cuộc khủng hoảng”.

Theo ông Kloza, đây là cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng nhất trong nhiều năm.

Nguồn cung nhiên liệu diesel thấp là kết quả của việc giảm công suất lọc dầu trên toàn thế giới, sau khi COVID tàn phá ngành công nghiệp dầu mỏ. Ông Kloza cho biết dầu diesel bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, giá dầu đã liên tục tăng và liên tục biến động. Giá dầu thô kỳ hạn của West Texas Intermediate (WTI) ở mức khoảng 107 USD/thùng hôm 30/3, giảm từ đỉnh 130,5 USD/thùng hồi cuối tháng 2.

 

Giá diesel tăng nhanh hơn xăng

Ông Matt Smith, trưởng nhóm phân tích dầu mỏ Mỹ tại Kpler, cho biết: “Khi giá dầu thô tăng, giá diesel sẽ tăng nhanh hơn nữa. Hiện nay, sản lượng tồn kho đã ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm.”

Ông Smith nói thêm: “Trong khi mọi người mải tập trung vào dầu thô thì giá diesel đã tăng nhanh chóng do sự thiếu hụt và tăng cường nhập khẩu từ Châu Âu”. 

“Mặc dù có những lo ngại về giá dầu thô, nhưng động cơ diesel mới là thứ mà người dùng cuối cần đến”.

Theo AAA, trong khi giá xăng đang giữ ổn định, tại Mỹ giá dầu diesel tiếp tục tăng thêm khoảng 2 cent/lít, lên mức trung bình 1,35 USD/lít. Mức trung bình trên toàn nước Mỹ với xăng không chì là 1,12 USD/lít, tăng từ 0,76 USD/lít một năm trước.

Tuy nhiên, giá dầu diesel vào cùng kỳ năm ngoái rẻ hơn tới 0,53 USD/lít. Đối với một chiếc xe tải có dung tích 472,5 lít nhiên liệu trở lên, việc phải trả thêm vài trăm USD cho mỗi lần đổ xăng có thể dẫn đến sự tăng giá của bất cứ sản phẩm nào, từ thực phẩm, đồ gia dụng cho đến ô tô.

Tác nhân gây lạm phát

Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết: “Mức chênh lệch giữa nhiên liệu diesel và xăng đang lớn chưa từng có trong lịch sử”. 

“Khoảng cách này lên tới gần 0,27 USD/lít ... mức trung bình trong vài thập kỷ qua là 8 cent đến 10 cent. Theo tính toán của tôi, 1/10 trong sự gia tăng lạm phát giá tiêu dùng trong năm qua là do giá dầu diesel tăng vọt".

 

“Người nông dân cày ruộng, mang thực phẩm đến kệ cửa hàng; FedEx và UPS vận chuyển hàng hóa đều chịu ảnh hưởng của giá diesel cao,” ông Zandi nói.

Tác động của giá dầu diesel đối với lạm phát giá hàng hóa, từ sản xuất đến vận chuyển, còn lớn hơn nhiều. Ông Zandi ước tính rằng rằng 17% sự gia tăng của lạm phát giá hàng hóa là do chi phí diesel.

Ông Francisco Blanch, người đứng đầu toàn cầu về hàng hóa và nghiên cứu phái sinh tại Bank of America, cho biết: “Dầu diesel được sử dụng trong ngành nông nghiệp, trong rất nhiều quy trình công nghiệp. Tất cả các máy móc đều chạy bằng diesel”.

“Tôi nghĩ giá cao sẽ tạo ra nhiều vấn đề. Xe tải chạy bằng diesel, tàu hỏa chạy bằng diesel, và đến cả nhiên liệu máy bay cũng là một dạng diesel”.

Ông Blanch nhấn mạnh rằng trước cuộc xung đột Ukraine, Nga xuất khẩu tổng cộng 5,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, một nửa trong số đó tới Châu Âu. Ngoài ra, Moscow cũng xuất khẩu 2,4 triệu thùng/ngày các loại dầu đã chưng cất, trong đó có hơn 1,1 triệu thùng diesel. Đồng thời, một nửa số diesel của Nga cũng được Châu Âu nhập khẩu. 

Nga đã gặp khó khăn trong việc vận chuyển các sản phẩm dầu và tinh chế từ dầu vì người mua và các công ty vận tải lo ngại vướng vào những lệnh trừng phạt từ Phương Tây. 

Tình trạng thiếu hụt dầu diesel của châu Âu đã trở lan ra toàn thế giới khi các chuyến tàu chở dầu phải thay đổi hướng đi.

“Hầu hết mọi hoạt động của con người đều có một số yếu tố tiêu thụ dầu diesel. Ở châu Âu, một nửa số ô tô chạy bằng động cơ diesel”, ông Blanch nói.

Nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics Mark Zandi cho biết giá diesel tăng đã châm ngòi cho sự lạm phát “bào mòn khả năng phát triển của nền kinh tế”.

Các vấn đề từ nhà máy lọc dầu

Ông Kurt Barrow, Phó Chủ tịch phụ trách dầu mỏ và sản phẩm hạ nguồn tại S&P Global Commodity Insights nói: “Chúng tôi nhận thấy một số lượng đáng kể các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động vì quá trình chuyển đổi năng lượng, kết hợp với nhu cầu thấp do dịch COVID.”

Ông Barrow cho biết ngành công nghiệp lọc dầu toàn cầu giảm công suất khoảng 3,5 triệu thùng/ngày so với trước COVID. Trong đó, ở Mỹ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày và ở Châu Âu là 0,6 triệu thùng/ngày.

Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nguồn cung diesel đã bị thắt chặt. “Khi bạn đưa 600.000 thùng diesel/ngày của Nga ra khỏi một thị trường chật hẹp, kết quả là nguồn cung sẽ giảm”, ông Barrow nói.

Nhà máy lọc dầu Omsk, một trong những nhà máy lọc dầu lớn và hiện đại nhất của Nga. (Ảnh: Gazprom Neft).

Theo S&P Global, trong năm 2019, mỗi ngày Mỹ tiêu thụ khoảng 9,3 triệu thùng xăng và 4,1 triệu thùng nhiên liệu diesel. Đối với Châu Âu, tiêu thụ xăng chỉ là 2,1 triệu thùng còn diesel lên tới 6,8 triệu thùng/ngày.

Giải pháp

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), trong tuần qua, nhu cầu dầu diesel tại Mỹ giảm xuống 3,8 triệu thùng/ngày so với 4,5 triệu thùng của tuần trước đó.

Ông John Kilduff, đối tác của Again Capital, cho biết các nhà máy lọc dầu của Mỹ đã tăng tỷ lệ hoạt động của họ lên 92%, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Một số nhà máy có thể thay đổi hỗn hợp nhiên liệu nhằm tăng sản lượng diesel”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp hơn ảnh hưởng đến ngành công nghiệp lọc dầu.

Các đợt phong tỏa do COVID vào năm 2020 dẫn đến nhu cầu dầu và nhiên liệu giảm mạnh. Ngành công nghiệp lọc dầu phản ứng bằng cách đột ngột ngừng hoạt động, sau đó khi dịch bệnh kết thúc phải từ từ tăng công suất. 

Không phải tất cả nhà máy lọc dầu đều hoạt động trở lại. Hai nhà máy ở Mỹ đang trong quá trình chuyển đổi để trở thành nơi sản xuất nhiên liệu sinh học.

Ông Kloza lưu ý: “Đây là một ‘năm tạm nghỉ’ cho các nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới. Bắc Mỹ đã giảm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày so với trước COVID".

Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại OPIS, ông Kloza cho biết năm tới tình hình sẽ được cải thiện khi các nhà máy lọc dầu khổng lồ mới ở Trung Đông, Đông Nam Á và Tây Phi đi vào hoạt động. Ông nói thêm, những nhà máy này được thiết kế để tối đa sản lượng dầu diesel và nhiên liệu máy bay.

Minh Quang