VinFast hưởng trái ngọt từ chính sách đầu tư hạ tầng nghìn tỷ USD của Tổng thống Biden
Ngày 29/3 (giờ Mỹ, tức 30/3/2022 giờ Việt Nam), VinFast và chính quyền bang Bắc Carolina (Mỹ) công bố ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Bắc Mỹ. Dự án có mức đầu tư lên tới 4 tỷ USD và sẽ tạo ra 7.000 việc làm cho lao động địa phương.
Nhà máy của VinFast có tổng diện tích khoảng 800 ha và bao gồm 3 khu vực chính: khu vực sản xuất và lắp ráp ô tô điên và xe bus điện, khu vực sản xuất pin cho các sản phẩm xe điện, khu vực phụ trợ.
Các mẫu xe được sản xuất trong giai đoạn đầu bao gồm VF8 - SUV 5 chỗ và VF9 - SUV cỡ lớn 7 chỗ ngồi với công suất khoảng 150.000 xe mỗi năm.
Việc VinFast lựa chọn Mỹ để đầu tư sản xuất một phần lớn nằm ở những chính sách thúc đẩy trong Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng của Tổng thống Biden được Mỹ thông qua vào hồi cuối năm 2021.
Theo Nhà Trắng, Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng nhằm mục tiêu xây dựng lại đường xá, cầu và đường ray của Mỹ, mở rộng khả năng tiếp cận với nước uống sạch, đảm bảo mọi người Mỹ đều có quyền truy cập internet tốc độ cao, giải quyết khủng hoảng khí hậu, mở rộng mạng lưới các phương tiện sử dụng điện, thúc đẩy công bằng môi trường và đầu tư vào các cộng đồng thường bị bỏ lại phía sau.
Vậy VinFast được hưởng những lợi ích gì từ chính sách đầu tư hạ tầng trị giá nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden?
Mạng lưới trạm sạc
Trong Luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng được Tổng thống Biden thông qua, 7,5 tỷ USD được sử dụng để xây dựng mạng lưới trạm sạc trên khắp nước Mỹ.
Theo thống kê, thị trường xe điện của Mỹ chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc. Luật hạ tầng là một bước quan trọng trong chiến lược của ông Biden nhằm chống lại biến đổi khí hậu và tạo ra việc làm tại Mỹ. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một mạng lưới khoảng 500.000 trạm sạc dọc theo các tuyến cao tốc và các khu dân cư.
VinFast hưởng lợi lớn nhờ những hệ thống trạm sạc sắp được triển khai trên khắp nước Mỹ, thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ chuyển sang sử dụng xe điện.
Phương tiện công cộng chạy điện
Trong Luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, Nhà Trắng dành khoản tiền 89,9 tỷ USD để đầu tư cho giao thông công cộng trong 5 năm tới.
Đạo luật sẽ mở rộng các lựa chọn phương tiện công cộng trên mọi tiểu bang tại Mỹ, thay thế hàng nghìn phương tiện vận chuyển thiếu hụt, bao gồm cả xe buýt, bằng các phương tiện sạch, không phát thải và cải thiện khả năng tiếp cận cho người già và người khuyết tật.
Theo Nhà Trắng, đạo luật sẽ cung cấp 7,5 tỷ USD để thay thế hệ thống phương tiện công cộng thành những loại ít phát thải. Mục tiêu là cung cấp hàng nghìn xe bus điện cho các trường học trên khắp nước Mỹ.
Với việc đã sản xuất và vận hành hệ thống xe bus điện, VinFast có thể tận dụng cơ hội để trở thành nhà thầu cung cấp phương tiện công cộng thân thiện với môi trường cho Mỹ.
Mục tiêu năm 2030
Cùng với Luật cơ sở hạ tầng lưỡng Đảng, Tổng thống Biden cũng ký thỏa thuận với mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô của Mỹ sản xuất 40%-50% xe điện và xe chạy bằng hydro vào năm 2030.
Hiện tại, theo số liệu từ Cục phân tích kinh tế Mỹ, thị trường ô tô của nước này có doanh số lên tới 15 triệu xe vào năm 2021, so với Việt Nam là chỉ khoảng 410 nghìn xe.
Theo ước tính của IHS Markit, chỉ khoảng 4,3% xe được bán ra tại thị trường Mỹ sẽ là xe điện hoặc xe lai. Các hãng xe Mỹ như GM, Ford, Stellantis … đều công bố kế hoạch tăng cường đầu tư sản xuất xe không phát thải. Tuy nhiên, ngoài Tesla, các hãng xe nội địa của Mỹ vẫn không đưa ra được nhiều lựa chọn xe điện với giá cả phải chăng và hiệu năng tốt.
Nâng cấp mạng lưới điện
Theo Bộ Năng lượng, mỗi năm Mỹ thiệt hại 70 tỷ USD do mất điện. Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng đầu tư 65 tỷ USD vào lưới điện và truyền tải năng lượng sạch.
Cùng với số lượng xe điện được dự kiến chiếm 40% tổng phương tiện bán ra vào năm 2030 theo IHS Markit, hệ thống lưới điện của Mỹ sẽ cần phải có khả năng chịu tải tốt hơn rất nhiều. Việc mất điện như tại Texas năm 2021 không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất mà còn quyết định mua xe điện của người dân Mỹ.
Chuỗi cung ứng
Nhà Trắng sẽ đầu tư 17 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cảng và 25 tỷ USD vào các sân bay để giải quyết các công việc sửa chữa và bảo dưỡng, giảm tắc nghẽn và khí thải tại các cảng và sân bay, đồng thời thúc đẩy điện khí và các công nghệ ít phát thải carbon khác.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy sau đại dịch là một thách thức lớn đối với các ngành sản xuất, đặc biệt là sản xuất xe điện như VinFast. Việc Washington giải quyết các vướng mắc trong chuỗi cung ứng sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguyên vật liệu với chi phí rẻ hơn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/