|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su vượt đỉnh hơn 10 năm vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung

10:23 | 26/03/2024
Chia sẻ
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong những ngày giữa tháng 3, giá cao su tại các sàn châu Á liên tục tăng mạnh, chạm mức cao kỷ lục trong hàng thập kỷ và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng trong ngắn hạn, tình trạng mưa lớn, gây lũ lụt tại miền Nam Thái Lan kỳ vọng sẽ giúp giá cao su vẫn đứng ở mức cao trong những ngày tới. Khả năng xảy ra hiện tượng La Nina vào nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục gây lo ngại cho nguồn cung Thái Lan nói riêng và toàn cầu nói chung vì giai đoạn này là mùa cao điểm khai thác cao su, sau khi kết thúc giai đoạn nghỉ cạo và thay lá trong nửa đầu năm nay.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), giá cao su giao kỳ hạn tăng lên mức cao nhất gần 13 năm trong bối cảnh giá dầu tăng cao và thời tiết bất lợi tại Thái Lan. Ngày 18/3 giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 362,9 Yên/kg (tương đương 2,43 USD/ kg), tăng 11,1% so với ngày 11/3 và tăng 81,4% so với cùng kỳ năm 2023.

 Diễn biến giá cao su RSS3 tại sàn OSE từ tháng 12/2023 đến 18/3 (Đơn vị: Yên/kg, Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, cf.market-info.jp)

Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su RSS3 tăng mạnh. Ngày 18/3, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 15.440 nhân dân tệ/tấn (tương đương 2,2 USD/ kg), tăng 9% so với ngày 11/3 và tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023.

Diễn biến giá cao su tại sàn SHFE từ tháng 12/2023 đến nay (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn, nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, shfe.com.cn)

Tại Thái Lan, giá cao su RSS3 cũng tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2017 và đã vượt qua mốc 90 Baht/kg do nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng. Ngày 18/3, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 92,7 Baht/kg (tương đương 2,6 USD/kg), tăng 7,8% so với ngày 11/3 và tăng 78% so với cùng kỳ năm 2023.

 Diễn biến giá cao su RSS3 tại Thái Lan từ tháng 12/2023 đến nay (Đơn vị: Baht/kg, nguồn: Cục Xuất nhập khẩu,)

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ đạt 14,5 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2023.

Trong khi đó, năm 2024, tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến đạt 15,8 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2023. Như vậy, dự kiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 1,3 triệu tấn cao su trong năm 2024.

Tính riêng tháng 2, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến đạt 995 nghìn tấn, giảm 21% so với tháng 1 và gần như không đổi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi tiêu thụ cao su tự nhiên dự kiến đạt 1,15 triệu tấn, giảm 11% so với tháng 1 và giảm 11% so với tháng 2/2023.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 2,2 triệu tấn, tăng 0,6% và mức tiêu thụ đạt 2,4 triệu tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, mặc dù vẫn còn những lo ngại xung quanh tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng tâm lý thị trường cao su tự nhiên đã cải thiện đáng kể, phần lớn có thể là do nguồn cung cao su bị giảm sút bởi bệnh rụng lá, khí hậu khắc nghiệt khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng hơn.

Thêm vào đó, nguồn cung cũng đã giảm đáng kể khi các hộ kinh doanh chuyển sang trồng các cây công nghiệp khác trong giai đoạn giá cao su giảm mạnh thời gian qua.

H.Mĩ

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.