|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su TOCOM rơi tiếp xuống đáy 4 tuần

11:01 | 20/02/2017
Chia sẻ
Tính đến đầu phiên 20/2, giá cao su tại Tokyo đã giảm 5 phiên liên tiếp và giao dịch ở mức thấp nhất kể từ ngày 23/1 do đà suy yếu của USD và đà bán tháo tại Trung Quốc.
Giá cao su TOCOM rơi tiếp xuống đáy 4 tuần. Ảnh: Reuters

Cụ thể vào lúc 11h50 ngày 20/2, giá cao su giao tháng 7/2017 giao dịch trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm tiếp 3,2 yen so với chốt phiên cuối tuần trước xuống 293 yen/kg.

Như vậy, sau 5 phiên giảm liên tiếp tính đến thời điểm hiện tại, giá cao su TOCOM hiện đang ở mức giá thấp nhất kể từ ngày 23/1. Kể từ ngày 14/2 đến nay, giá cao su TOCOM đã giảm hơn 10%.

Đến đầu phiên sáng nay, thị trường cao su tại châu Á vẫn chưa thể thoát khỏi đà bán tháo trước những tín hiệu lạc quan về nguồn cung cao su trên toàn cầu.

Cụ thể, trong khi chính phủ Thái Lan đã bắt đầu giải phóng 96.000 tấn cao su trong kho dự trữ quốc gia để xoa dịu lo ngại thiếu cung tại thị trường nội địa, thì sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu cũng được dự báo sẽ tăng hơn 4% trong năm nay.

Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) dự báo, nguồn cung cao su sẽ tăng trưởng nhanh từ 5 đến 5,9%/năm trong giai đoạn 2017 – 2019 trước khi chậm lại ở 0,5 – 2,6%/năm trong giai đoạn từ 2020 – 2023.

Giá cao su TOCOM cũng chịu áp lực giảm lớn khi USD tiếp tục mất 0,15% so với rổ tiền tệ chủ chốt. Trong đó, USD giảm thêm 0,1% so với yen xuống 112,85 yen và ghi nhận 4 phiên giảm liên tiếp tính đến sáng nay.

Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE), làn sóng bán tháo với cao su cũng chưa thể ngừng lại. Trong đó, giá cao su giao tháng 5/2017 giảm thêm 170 nhân dân tệ xuống 20.210 nhân dân tệ/tấn tính đến 11h04. Chuyên gia phân tích Toshitaka Tazawa tại công ty Fujimoto Co cho biết, giá cao su bắt đầu lao dốc từ chiều muộn ngày 17/1 khi thị trường bước vào đợt điều chỉnh vị thế đầu cơ dù không có yếu tố cơ bản mới nào xuất hiện.

Theo ông Tazawa, nếu giá cao su trên SHFE rơi xuống dưới ngưỡng 20.000 nhân dân tệ thì xu hướng tăng giá của thị trường cao su TOCOM cũng sẽ thay đổi và giá mặt hàng này có thể sẽ giảm sâu hơn nữa.

Tuy nhiên xét về dài hạn, giá cao su toàn cầu đang trong xu hướng phục hồi, Tiến sĩ Jom Jacob – chuyên gia kinh tế tại ANRPC nhận định.

Ông Jacob cho biết, Giá cao su thế giới năm 2016 có những thời điểm biến động thất thường nhưng đang trong xu hướng phục hồi so với năm 2015, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2016.

Một trong những yếu tố chính hỗ trợ cho sự phục hồi của giá cao su là, thỏa thuận cắt giảm tổng cộng 700.000 tấn cao su thiên nhiên của 3 nước Hội đồng cao su quốc tế ba bên – ITRC (Thái Lan, Indonesia, Malaysia) đến hết năm 2016. Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino gây khô hạn và tình trạng mưa lũ tiếp nối đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch của các nước và dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.

Ngoài ra, việc giá dầu thế giới tăng từ 30 USD/thùng lên trên 50 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ổn định hay nhu cầu tiêu thụ cao su của ngành ô tô đang gia tăng cũng hỗ trợ lớn cho giá cao su trong năm ngoái.

Trong dài hạn, giá cao su được dự báo phục hồi dần về mức trên 2.000 USD/tấn từ năm 2025 trở đi dù còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, như tình hình phát triển kinh tế thế giới, giá dầu thô, đầu cơ của một số quỹ tài chính, xu hướng giá của những hàng hóa chủ lực khác, giá đồng đôla Mỹ, biến động chính trị của một số nước…

Trong ngắn hạn, chuyên gia Dar Wong tại Công ty Dektos (Singapore) dự báo, giá cao su thiên nhiên nawm 2017 có thể đạt trên 1.800 USD/tấn do cung giảm.

Oanh Oanh