Giá cao su TOCOM giảm hơn 2%
Vào lúc 16h03 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su giao tháng 6/2017 giảm 5,6 yen, tương đương giảm 2,05% xuống giao dịch ở 267,5 yen/kg (2,3 USD/kg).
Giá cao su tại Tokyo bắt đầu giảm ngay từ đầu phiên hôm qua, với mức giảm 1,28% do USD bắt đáy 3 tuần so với yen. Đến cuối phiên, dù USD đã phục hồi 1,4% so với yen lên 116,74JPY/USD tại thị trường phương Tây nhưng vẫn không thể kìm hãm được đà giảm của giá cao su TOCOM.
Mặc dù giảm mạnh trong phiên 6/1 nhưng giá cao su TOCOM vẫn tăng 1,4% trong cả tuần qua.
Giá cao su tại Nhật Bản đột ngột giảm một phần do bị ảnh hưởng bởi xu hướng giá tại Thượng Hải. Chốt phiên 6/1, giá cao su giao tháng 5/2017 trên sàn SHFE giảm thêm 470 nhân dân tệ xuống 17.855 nhân dân tệ/tấn (2.580 USD/tấn) sau khi đã giảm 105 nhân dân tệ trong phiên trước đó.
Chung xu hướng giá với thị trường châu Á, thị trường cao su tại Singapore và Thái Lan cũng đồng loạt tăng giá.
Trong đó, giá cao su giao tháng 2/2017 giao dịch trên sàn SICOM (Singapore) đảo chiều, giảm 3,2 US cent xuống còn 193 US cent/kg. Trong phiên 5/1, giá cao su tại Singapore đã tăng 1,4 US cent/kg.
Tương tự, giá cao su RSS3 giao tháng 2/2017 giao dịch trên sàn AFET (Thái Lan) tăng nhẹ 3 US cent lên 2,235 USD/kg.
Ngược lại tại thị trường trong nước, giá thu mua cao su tại các tỉnh đồng loạt tăng nhẹ sau phiên đi ngang ngày 5/1.
Cụ thể, giá mủ cao su tạp dạng chén tăng 200 đồng lên 15.800 đồng/kg; giá cao su SVR3L tăng 800 đồng lên 47.100 đồng/kg và giá cao su SVR10 tăng 900 đồng lên 45.200 đồng/kg.
Tuy nhiên do giá cao su tại phần lớn các nước châu Á đều giảm nên giá FOB cao su SVR10 của Việt Nam cũng giảm 4,12 US cent xuống 193,95 US cent/kg, với tỷ giá USD/VND giảm 100 đồng xuống 22.530 đồng (theo Vietcombank).
Giá FOB cao su Việt Nam ngày 6/1. Nguồn: thitruongcaosu.net |
Theo giới chuyên gia, nếu chính phủ Trung Quốc và Mỹ triển khai chính sách cắt giảm thuế và tăng cường chi tiêu công, doanh số bán ôtô sẽ tăng mạnh trong năm 2017. Thị trường cao su châu Á theo đó cũng sẽ hưởng lợi lớn vì nhu cầu tiêu thụ tăng.
Trong năm 2016, doanh số bán xe tài và ôtô mới của Mỹ đã đạt kỷ lục nhờ niềm tin tiêu dùng tăng trong khi giá dầu lại rất rẻ. Tại Trung Quốc, các hãng xe lớn như General Motors, cũng ghi nhận doanh số bán ôtô tăng vượt kỳ vọng trong năm ngoái.
Giá cao su đã dần phục hồi trong năm 2016 một phần do nguồn cung suy giảm tại các quốc gia hàng đầu thế giới vì biến đổi khí hậu. Điển hình như “ông lớn” Thái Lan giảm 50% sản lượng do hạn hán kéo dài. Hơn nữa, giá dầu tăng nhẹ cũng là động lực kéo giá cao su tăng theo.
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế theo đó đều dự báo ngành cao su toàn cầu sẽ bước qua “đêm đen” và phục hồi mạnh mẽ từ nay tới năm 2025.