Giá cao su ghi nhận 4 tháng tăng liên tiếp
Giá cao su liên tục tăng do hạn chế về nguồn cung
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,74 triệu tấn, đồng thời giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,5 triệu tấn. Điều này khiến thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,246 triệu tấn cao su trong năm nay.
Không chỉ vậy, điều kiện khí hậu không thuận lợi, bệnh rụng lá và giá cao su tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất của nông dân trồng cao su. Người dân trồng cao su tại nhiều nước, đặc biệt là ở các nước sản xuất cao su truyền thống như Thái Lan, Indonesia và Malaysia tiếp tục cho thấy tín hiệu chưa sẵn sàng mở rộng diện tích vùng trồng trở lại.
ANRPC nhận định, trong quý I, giá cao su có xu hướng tăng liên tục, tiếp đà tăng từ cuối năm 2023. Tuy nhiên, trong tháng 4 giá cao su đã quay đầu giảm. Đến tháng 5, giá cao sự có xu hướng tăng trở lại và xu hướng này kéo dài sang tháng 6.
Tại sàn OSE và sàn Thượng Hải, giá cao su tăng mạnh trong đầu tháng nhờ giá dầu thế giới tăng cao và kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, giá giảm từ trung tuần tháng 6 do lo ngại kinh tế Nhật Bản suy yếu và doanh thu bán ô tô của Trung Quốc sụt giảm. Đến cuối tháng 6, giá tăng nhẹ trở lại do đồng Yên suy yếu so với đồng USD.
Cụ thể, tại sàn OSE, tính trung bình trong tháng 6/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 7/2024 tăng 23,91 Yên/kg lên mức 342,81 Yên/kg. Còn tại sàn Shfe, tính trung bình trong tháng 6/2024, giá cao su thiên nhiên giao kỳ hạn tháng 7/2024 tăng 472 NDT/kg lên mức 15.041 NDT/kg.
Hiệp hội cũng dự báo, giá cao su trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục biến động khó lường tùy thuộc vào thị trường tài chính toàn cầu, nguồn cung cao su tại Thái Lan và giá dầu thế giới.
Những chuyển biến tích cực của thị trường trong nước
Dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu thị trường Agromonitor cho thấy, tại Việt Nam, giá mủ nước và giá mủ chén đãtăng 4 tháng liên tiếp và tăng mạnh trong tháng 5. Điều kiện thời tiết thuận lợi trong tháng đã giúp người dân cạo mủ nhiều khi giá có xu hướng tăng nhưng không kéo dài lâu bởi hoạt động thu mua của các nhà máy có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cụ thể, giá mủ nước trung bình trong tháng 6 tăng 22 đồng/độ (+5,98%) so với tháng trước, đạt 399 đồng/đô. Trong khi đó, tính bình quân tháng 6, giá mủ chén đạt 19.150 đồng/kg, tăng 945 đồng/kg (+5,19%) so với tháng 5.
Tuy nhiên, suốt 5 tháng đầu năm, giá cao su trong nước loại mủ nước lẫn mủ chén tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, xác lập tháng tăng thứ 3 liên tiếp.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, sản lượng cao su xuất khẩu của cả nước trong tháng 5 ước đạt 80.000 tấn, trị giá 129 triệu USD, giảm gần 32% về lượng và giảm 18,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, giá xuất khẩu cao su trung bình trong tháng 5 được duy trì ở ngưỡng 1.616 USD/tấn, tăng 1,2% so với tháng trước, xác lập 8 tháng tăng liên tiếp.
Về giá xuất khẩu, cao su SVR 10 (TSR 10) dao động trong khoảng 1.580 - 1.610 USD/tấn, tăng khoảng 200 - 500 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Với cao su SVR3L, giá xuất khẩu dao động trong khoảng 1.790 - 1.810 USD/tấn, cao hơn khoảng 300 - 400 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 99,5% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước. Hơn 10 năm qua, thị phần cao su của Việt Nam tại Trung Quốc đã tăng liên tục, từ mức 4,7% của năm 2014 lên hơn 22% của hiện tại.
Trong quý I, xuất khẩu cao su sang một số thị trường như Ấn Độ, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mỹ,… có nhiều dấu hiệu tích cực khi tăng trưởng mạnh cả về lượng trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Động lực chính giúp giá cao su trong nước bứt phá trong thời gian gần đây chủ yếu từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt là từ hai quốc gia Thái Lan và Indonesia vốn có sản lượng mủ cao su chiếm 51% tổng sản lượng mủ toàn cầu.
Ngoài ra, nhu cầu phát triển lĩnh vực công nghiệp ô tô từ Trung Quốc đang hồi phục mạnh mẽ từ sau dịch Covid-19. Cùng đó, việc giá dầu thô neo cao đã giúp giá cao su tự nhiên tăng cao.