|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su đảo chiều vì lo ngại biến thể Omicron

07:18 | 29/12/2021
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu cho biết giữa tháng 12, giá cao su tự nhiên tại các sàn giao dịch chủ chốt ở châu Á có xu hướng giảm nhẹ sau khi chạm mức cao nhất 6 tháng vào cuối tháng 11.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giữa tháng 12, giá cao su có xu hướng giảm trên các sàn giao dịch châu Á.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), sau khi tăng lên 225 Yên/kg vào ngày 13/12, giá cao su giảm trở lại.

Ngày 18/12, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2022 ở mức 221 Yên/kg (tương đương 1,95 USD/kg), giảm 0,4% so với 10 ngày trước đó và thấp hơn 11,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cao su đảo chiều vì lo ngại biến thể Omicron - Ảnh 1.

(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Tại sàn SHFE Thượng Hải, giá cao su tự nhiên sau khi tăng lên 14.510 Nhân dân tệ/tấn vào ngày 13/12, giá quay đầu giảm.

Ngày 18/12, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 01/2022 giao dịch ở mức 14.355 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 2,25 USD/tấn), giảm 0,5% so với 10 ngày trước đó và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cao su đảo chiều vì lo ngại biến thể Omicron - Ảnh 2.

(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)

Giá cao su đảo chiều giảm mạnh tại các sàn ở châu Á từ đầu tháng 12 đến nay do các nhà đầu tư vẫn lo ngại nhu cầu sẽ giảm bởi biến thể Omicron lây lan và các hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia, thị trường lo ngại về sản xuất ô tô chậm lại trong bối cảnh thiếu chip và linh kiện.

Bên cạnh đó, tập đoàn ô tô Toyota cho biết sẽ kéo dài thời gian dừng hoạt động tại một số nhà máy ở Nhật Bản do thiếu linh kiện từ các nhà máy ở Đông Nam Á, nơi sản xuất bị gián đoạn bởi phong tỏa do COVID-19.

Diễn biến cùng chiều với thị trường thế giới, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước có xu hướng hạ nhiệt. 

Cụ thể, tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức 285-323 đồng/độ mủ, giảm 7 đồng/độ mủ so với 10 ngày trước đó.

Còn ở Bình Dương, giá mủ cao su nguyên liệu được thu mua ở mức từ 316-320 đồng/độ mủ.

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh trồng nhiều cây cao su như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Phước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Đồng thời, nguồn cung cao su toàn cầu vẫn bị thắt chặt do các trận mưa lũ bất thường đã ảnh hưởng đến các vùng trồng cao su chính ở Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.

Trong đó, Thái Lan và các vùng trồng cao su chính của Malaysia đã trải qua mùa mưa kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cao su sẽ phục hồi và khởi sắc trở lại do nguồn cung bị gián đoạn, nhu cầu tăng và các địa phương của Việt Nam mở cửa nền kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội.

Hoàng Anh