|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su chạm đáy gần hai năm, đơn hàng yếu, đối sách nào cho xuất khẩu cao su?

14:56 | 24/11/2022
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM, giải pháp lúc này có thể là sản xuất ít lại, thuyết phục khách hàng lấy thêm hàng để giảm lượng tồn kho, giữ mức sản xuất tối thiểu để công nhân có việc làm trong những tháng cuối năm...

Giá xuất khẩu cao su thấp nhất 20 tháng qua, nhu cầu thị trường "đông lạnh"

Thông thường, những tháng cuối năm là giai đoạn các doanh nghiệp sản xuất cao su tăng công suất để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường. Theo đó, lượng và giá trị xuất khẩu cũng đồng loạt tăng theo.

Năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dường như không đi theo quy luật đó khi lượng xuất khẩu vẫn duy trì tăng trưởng nhưng giá trị thu về lại không tăng tương ứng. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 10, Việt Nam xuất khẩu được gần 223,6 nghìn tấn cao su, trị giá 313,5 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với tháng 9, còn so với tháng 10/2021 tăng 8,7% về lượng nhưng giảm hơn 8% về trị giá. 

Giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.402 USD/tấn, giảm gần 3% so với tháng 9 và giảm 15,5% so với tháng 10/2021.  

Đây tiếp tục là một mức đáy mới, đánh dấu tháng thấp nhất trong gần hai năm qua của xuất khẩu cao su.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thị trường bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến giá cao su biến động mạnh trong thời gian qua.

Trên thị trường thế giới, theo số liệu từ Trading Economics, đầu tháng 10, giá cao su phục hồi nhẹ so với tháng 9, nhưng sau đó giảm sâu xuống mức 117 UScents/kg. Hiện giá mặt hàng này dao động quanh vùng 127 UScents/kg và chưa có tín hiệu phục hồi rõ ràng.   

Bên cạnh đó, năm nay, khi hầu hết quốc gia đã mở cửa trở lại sau đại dịch, tình trạng dư cung cao su thiên nhiên quay trở lại cũng là yếu tố tác động đến xu hướng giá.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong tháng 8 và tháng 9/2022, tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu đạt khoảng 2,7 triệu tấn, tăng 71.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu khoảng 2,5 triệu tấn, tăng 85.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021.

"Nguồn cung dư thừa trong giai đoạn này đã góp phần vào biến động của giá cao su trên thị trường thế giới, bên cạnh các yếu tố như giá dầu thô giảm và triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu", Cục Xuất nhập khẩu cho hay.  

 Diễn biến giá cao su từ tháng 5 đến nay. (ĐVT: UScents/kg) (Nguồn: Trading Economics)   

Không chỉ giá xuất khẩu giảm, tình hình đơn hàng thu hẹp cũng đang là vấn đề khó khăn của ngành hàng.

Chia sẻ với người viết tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp nhựa - cao su, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM, cho biết sức mua của các thị trường tiêu thụ cao su Việt Nam giảm khoảng 20% do lạm phát tăng cao tại nhiều nước. 

Khi sức mua giảm, tồn kho theo đó tăng lên nhưng cái khó của doanh nghiệp là dòng tiền không về kịp vì khách hàng không vay được ngân hàng hoặc không thu hồi được vốn. Đây là vấn đề "đau đầu" buộc doanh nghiệp phải cân đối chi phí cho tiết kiệm nhất về cả lao động và nguyên liệu.

"Hiện tại khó khăn nhất là làm sao duy trì đội ngũ công nhân để khi đơn hàng quay trở lại các doanh nghiệp vẫn có thể tổ chức sản xuất", Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM nói.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM. (Ảnh: Như Huỳnh)

Giải pháp nào cho giai đoạn khó khăn hiện nay? 

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Anh, tình hình khó khăn của các doanh nghiệp ngành cao su dự báo sẽ kéo dài đến quý II/2023, khi đó lượng hàng tồn kho giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa trở lại của khách hàng. 

Điều này cũng tương đồng với dự báo của Cục Xuất nhập khẩu khi cho rằng thời gian tới giá cao su khó có thể tăng mạnh do nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cao, hoạt động khai thác có khả năng tăng tốc và duy trì ở mức tốt cho đến tháng 1 năm tới. Ngoài ra, nhu cầu từ các công ty săm lốp có thể không mạnh do kinh tế toàn cầu suy thoái.

Bên cạnh đó, các tháng cuối năm xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp khó khăn do đồng USD đã bước vào chu kỳ tăng giá như một tài sản trú ẩn trước lạm phát. Với các loại hàng hóa cơ bản được tính bằng USD, khi USD tăng mạnh sẽ hạ giá trị các loại hàng hóa này. Cao su cũng không ngoại lệ khi giá mủ có diễn biến giảm trong giai đoạn đồng USD tăng mạnh. 

Trước tình hình hiện nay, theo ông Nguyễn Quốc Anh, giải pháp lúc này có thể là sản xuất ít lại, thuyết phục khách hàng lấy thêm hàng để giảm lượng tồn kho, giữ mức sản xuất tối thiểu để công nhân có việc làm trong những tháng cuối năm.

Đồng thời khi hoạt động sản xuất ít đi, doanh nghiệp có thể tận dụng thời gian để thực hiện những công việc mà trước đây vì bận rộn nên chưa triển khai như tổ chức lại quy trình sản xuất, huấn luyện đào tạo, đầu tư thiết bị máy móc...

Như Huỳnh