|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê thế giới tăng mạnh, doanh nghiệp Việt chỉ biết đứng nhìn vì không có hàng để xuất

14:49 | 01/09/2021
Chia sẻ
Giá cà phê chạm đỉnh, nhu cầu tiêu thụ tăng cao song tồn kho của nông dân, doanh nghiệp Việt không còn nhiều. Liệu Việt Nam có thể tuột mất cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu cà phê?

Tồn kho của nông dân, doanh nghiệp đều cạn kiệt

Theo Bloomberg, đợt hạn hán và sương giá đã tàn phá mùa màng ở thủ phủ cà phê Brazil khiến sản lượng cà phê toàn cầu giảm. Người tiêu dùng cà phê toàn cầu đang có xu hướng tìm đến Indonesia và Việt Nam nhằm lấp đầy khoảng trống từ Brazil.

Tuy nhiên, thế giới khó có thể trông cậy vào nguồn cung của Việt Nam do hàng tồn kho của nông dân dần cạn kiệt.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex cho biết: "Nông dân cho rằng không thể hưởng lợi trong đợt tăng giá này vì không còn sản phẩm để bán. Bản thân doanh nghiệp cũng không mua được hàng và xuất hàng đi trong hơn một tháng nay".

Giá arabica, loại cà phê có vị dịu hơn được giao dịch tại New York đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014 trong tuần cuối cùng tháng 7 sau khi thời tiết lạnh giá phá hủy mùa màng ở Brazil. 

Tính chung trong tháng 7, giá cà phê arabica tăng khoảng 25%. Động lực này cũng giúp nâng giá robusta trên sàn London lên mức cao kể từ năm 2017 và tăng khoảng 13% trong cùng thời gian.

Ông Phan Hùng Anh, Giám đốc điều hành CTCP Thương mại Cà phê Quang Minh tại tỉnh Bình Dương cho biết: "Việc giá tăng không mang lại lợi ích nhiều cho các nhà xuất khẩu bởi chi phí vận chuyển tăng cao, các đối tác e ngại nhập khẩu cà phê của Việt Nam. Do đó, chúng tôi không có hợp đồng mới để thu mua cà phê cho nông dân".

Theo ông Anh, giá container từ Việt Nam sang châu Âu đang ở mức 10.000 USD, cao gấp 6 - 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, các lô hàng xuất khẩu của công ty Quang Minh cũng giảm ít nhất 20% trong 50.000 tấn của năm 2020.

Theo khảo sát của các thương nhân, dù giá cà phê thế giới tăng đột biến nhưng các nhà xuất khẩu của Việt Nam không thu được nhiều lợi nhuận vì hàng hóa tồn kho ở khu vực TP HCM đã được định giá cho các hợp đồng kỳ hạn.

Ông Lê Tiến Hùng, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết: "Hiện nay, doanh nghiệp chỉ có đủ cà phê cho các hợp đồng đã ký với đối tác đến cuối vụ".

Đại diện Simexco Đắk Lắk quan ngại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến công tác hậu cần gặp khó khăn khi vụ thu hoạch mới sắp bắt đầu và các đơn hàng xuất khẩu thường gia tăng vào dịp cuối năm. 

Dự đoán trái chiều về vụ thu hoạch mới

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca nhiễm tại 5 tỉnh Tây Nguyên, vùng trồng cà phê trọng điểm của Việt Nam tăng lên 300 người vào ngày 22/7. Thành phố Buôn Ma Thuột và một huyện đã có lệnh cách ly xã hội kể từ ngày 25/7.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết lệnh cách ly xã hội có thể được mở rộng sang các vùng khác ở Đắk Lắk, nơi trồng khoảng 1/3 diện tích cà phê của cả nước.

Ông Minh lo ngại nguy cơ lây nhiễm gia tăng khi hàng nghìn công nhân từ các tỉnh phía miền Nam đang đổ về Tây Nguyên, chạy trốn sự rượt đuổi của COVID-19.

Đại diện Simexco Đắk Lắk cho rằng nếu dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, tiến độ thu hoạch cà phê có thể chậm lại, cao điểm vào tháng 11. Ông Hùng nhận định sản lượng cà phê vụ này sẽ thấp do lượng mưa giảm và người dân ít đầu tư chăm sóc.

Trong khi hầu hết các thương nhân khác cho biết còn quá sớm để đưa ra dự báo. 5 trong số 11 người được khảo sát kỳ vọng sẽ một vụ mùa cà phê tốt, 2 người dự báo sản lượng tăng 6 - 10% so với 1,7 triệu tấn của năm trước.

Thiếu container, chi phí logistics cao đe dọa xuất khẩu

Theo số liệu thống kê, xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành cà phê của Việt Nam cũng đang gánh chịu áp lực kép từ dịch COVID-19 và tình trạng thiếu container trầm trọng. Dự kiến xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục giảm trong tháng 9.

Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam chững lại do TP HCM, trung tâm xuất khẩu cả nước đang trong tình trạng giãn cách xã hội vì số ca lây nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt.

Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa tại một số vùng sản xuất chính của Tây Nguyên, đặc biệt là việc vận chuyển cà phê từ xưởng đến cảng.

Điều này kéo theo hàng loạt các vấn đề khác như sự thiếu hụt container và giá cước vận chuyển tăng cao khiến doanh nghiệp giao hàng chậm và có nguy cơ phải bồi thường cho đối tác.

Hiện, các hiệp hội, ngành hàng trong đó có Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Sau phản ánh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan chức năng ở các tỉnh phía Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản, đặc biệt là mặt hàng cà phê và gạo.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương bỏ ngay những quy định, thủ tục, giấy tờ không cần thiết, rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hoàng Anh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.