Giá cà phê hôm nay 8/12: Giảm 6.000 – 6.500 đồng/kg trong một tuần đầy biến động
Cập nhật giá cà phê trong nước
Thị trường cà phê trong nước và quốc tế đã trải qua một tuần biến động nhanh và mạnh chưa từng thấy kể từ trước đến nay.
Theo đó, giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên đã giảm đến 17%, tương ứng 22.000 đồng/kg chỉ trong ba ngày đầu tuần từ hôm 2/12 đến 4/12.
Sau đó, giá giao dịch đã hồi phục mạnh và tăng tổng cộng 14 – 15%, tương ứng 15.500 - 16.000 đồng/kg trong các ngày cuối tuần.
Mặc dù đã phục hồi ấn tượng trở lại nhưng thị trường vẫn chưa thể lấy lại những gì đã mất vào đầu tuần. Vì vậy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cà phê trong nước vẫn giảm khoảng 6.000 – 6.500 đồng/kg so với tuần trước, dao động trong khoảng 123.000 – 124.000 đồng/kg.
Thị trường |
Trung bình |
Thay đổi so với cuối tuần trước |
Đắk Lắk |
124.000 |
-6.000 |
Lâm Đồng |
123.000 |
-6.500 |
Gia Lai |
124.000 |
-6.000 |
Đắk Nông |
124.000 |
-6.500 |
Tỷ giá USD/VND |
25.134 |
+4 |
Đơn vị tính: VNĐ/kg
Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank
Cập nhật giá cà phê thế giới
Sau khi giá cà phê robusta tăng lên mức kỷ lục mới và arabica chạm đỉnh gần 50 năm vào tuần trước, ngay đầu phiên giao dịch tuần này giới đầu cơ đã đẩy mạnh hoạt động bán tháo chốt lời khiến giá robusta tại London giao tháng 1/2025 lao dốc và giảm đến 575 USD/tấn chỉ trong phiên giao dịch ngày 2/12 và arabica giảm 22 US cent/pound.
Tuy nhiên, thị trường sau đó đã dần hồi phục vào cuối tuần và lấy lại được một phần nào những gì đã mất.
Trên sàn giao dịch London, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 1/2025 kết thúc tuần qua ở mức 5.153 USD/tấn, giảm 4,7% (256 USD/tấn) so với cuối tuần trước.
Ngược lại, trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 3,85% (12 US cent/pound), lên mức 330,25 US cent/pound.
Thị trường đã có sự điều chỉnh lại sau đợt bán tháo mạnh do được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và mưa lớn làm chậm vụ thu hoạch tại Việt Nam, trong khi triển vọng vụ mùa tới của Brazil cũng không mấy khả quan.
Dưới góc độ của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Intimex (doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn thứ hai của Việt Nam), trên thực tế giao dịch hàng thực không nhiều.
Bản chất những biến động trên các sàn giao dịch cà phê tương lai (New York và London) thời gian qua là do bàn tay của giới đầu cơ tài chính và hiện họ đang chốt lời ngắn hạn.
“Giá cà phê lên mức quá cao như thời gian vừa qua không phải là do nguồn cung quá khan hiếm đến mức đó. Nguyên nhân đến từ giới tài chính đang đầu cơ trên sàn. Họ đẩy giá lên cao và giờ là thời điểm chốt lời. Những diễn biến giá thời gian qua không phản ánh đúng bản chất của thị trường cà phê. Thực tế giao dịch trên sàn còn cao hơn so với giao dịch hàng thực”, ông Nam nhận định.
Ông cho biết thông thường quy luật 10 năm, thị trường cà phê sẽ tạo đỉnh - đáy mới. Tuy nhiên, với sự tham gia mạnh mẽ của giới tài chính như hiện nay, quy luật này bắt đầu bị phá vỡ, có thể kéo dài hơn hoặc có thể ngắn hơn.
Theo ông Nam những biến động nhanh và mạnh trên các sàn giao dịch ít nhiều tác động lên thị trường hàng thực và tiềm ẩn rủi ro cho các nhà rang xay và nhà xuất khẩu. Bởi, nhiều công ty xuất khẩu kinh doanh theo hình thức “bán hàng trước, thu mua sau”. Do đó, với việc giá cà phê biến động mạnh như hiện nay, nhiều công ty xuất khẩu đứng trước rủi ro mua giá cao nhưng phải bán giá thấp.