|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 4/4: Đồng loạt lao dốc, giá cà phê trong nước về quanh mốc 131.000 đồng/kg

07:01 | 04/04/2025
Chia sẻ
Giá cà phê hôm nay (4/4) giảm mạnh 2.300 - 2.500 đồng/kg tại thị trường trong nước và biến động trái chiều giữa các sàn giao dịch. Mức thuế đối ứng 46% đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam có thể làm gián đoạn dòng chảy cà phê robusta và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Cập nhật giá cà phê trong nước

Một ngày sau khi Mỹ công bố thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, giá cà phê trong nước đồng loạt sụt giảm mạnh 2.300 – 2.500 đồng/kg, giao dịch trong khoảng 130.200 – 131.200 đồng/kg.

Theo đó, giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông được thu mua ở mức cao nhất là 131.200 đồng/kg, giảm 2.400 đồng/kg.

Giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai giảm tới 2.500 đồng/kg, xuống còn 131.000 đồng/kg.

Còn tại Lâm Đồng, giá giao dịch cũng giảm 2.300 đồng/kg về mốc 130.200 đồng/kg.

Thị trường

Trung bình

Thay đổi so với hôm trước

Đắk Lắk

131.000

-2.500

Lâm Đồng

130.200

-2.300

Gia Lai

131.000

-2.500

Đắk Nông

131.200

-2.400

Tỷ giá USD/VND

25.600

+60

Đơn vị tính: VNĐ/kg

Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank

 

Cập nhật giá cà phê thế giới

Đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 4/4, giá cà phê trực tuyến robusta hợp đồng giao tháng 5/2025 trên Sàn giao dịch London đứng ở mức 5.371 USD/tấn, tăng nhẹ 0,09% (5 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước; trong khi hợp đồng giao tháng 7/2025 giảm 0,22% (12 USD/tấn), xuống còn 5.388 USD/tấn.

Giá cà phê robusta trên Sàn London trong phiên giao dịch ngày 4/4. (Nguồn: giacaphe.com)   

Trên Sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao tháng 5/2025 tiếp tục giảm 0,93% (3,6 US cent/pound), xuống còn 385,25 US cent/pound; trong khi hợp đồng giao kỳ hạn tháng 7/2025 giảm 0,95% (3,65 US cent/pound), chốt ở mức 381,75 US cent/pound.

Giá cà phê arabica trên Sàn New York trong phiên giao dịch ngày 4/4. (Nguồn: giacaphe.com) 

The Barchart, giá cà phê ghi nhận diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch vừa qua. Các mức thuế đối ứng do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đã dẫn đến tâm lý e ngại rủi ro trên hầu hết các thị trường tài sản và làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu dùng, gây áp lực giảm lên giá cà phê.

Tuy nhiên, giá cà phê robusta đã phục hồi sau khi giảm vào đầu phiên và tăng trở lại do lo ngại rằng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam có thể làm gián đoạn dòng chảy cà phê robusta và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, mức giảm giá cà phê arabica phần nào được kiềm chế nhờ vào sự mạnh lên của đồng real Brazil. Đồng Real đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng rưỡi so với đồng USD, khiến các nhà sản xuất cà phê Brazil không mặn mà với việc xuất khẩu.

Thông tin từ Reuters, hôm thứ Tư (2/4), Mỹ đã công bố mức thuế đối ứng 46% đối với cà phê nhập khẩu từ Việt Nam – quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới – cùng với mức thuế 32% đối với Indonesia, nước trồng cà phê lớn thứ tư. Các nước sản xuất cà phê ở Trung và Nam Mỹ, như Brazil và Colombia, chịu mức thuế 10%.

Việt Nam là nhà cung cấp cà phê lớn thứ ba cho Mỹ, quốc gia tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê robusta, loại cà phê được sử dụng rộng rãi để sản xuất cà phê hòa tan cũng như đồ uống lạnh đóng chai.

"Việt Nam là trường hợp đáng chú ý nhất," Tomas Araujo, một nhà môi giới tại StoneX, cho biết. "Sắp tới, chuỗi cung ứng và người tiêu dùng cuối sẽ gặp thách thức lớn vì chi phí tăng thêm," ông nói.

"Đây là vấn đề nghiêm trọng. Mức thuế đối với Việt Nam sẽ khiến một nhà mua hàng ở Mỹ phải trả thêm 2.500 USD mỗi tấn," một thương nhân châu Âu cho biết. Hợp đồng tương lai cà phê robusta trên sàn ICE, tiêu chuẩn giá toàn cầu, đang giao dịch ở mức khoảng 5.390 USD/tấn vào hôm thứ Năm (3/4).

Hiện vẫn chưa rõ liệu những lô cà phê đang trên đường đến Mỹ có bị áp mức thuế cao này hay không, người này cho biết thêm.

"Cả ngành cà phê và các nhà sản xuất bánh kẹo sẽ tích cực vận động để loại bỏ thuế đối với các sản phẩm này," chuyên gia phân tích hàng hóa mềm Judith Ganes, chủ tịch J Ganes Consulting, nhận định. "Cá nhân tôi nghi ngờ rằng mức thuế này sẽ duy trì lâu dài."

Các chuyên gia cho biết các nhà rang xay ở Mỹ có thể sẽ phải chuyển từ robusta của Việt Nam sang robusta của Brazil. Tuy nhiên, Brazil không có nhiều robusta vì nước này chủ yếu sản xuất arabica.

Đồng thời họ cũng cho rằng Mỹ sẽ phải cạnh tranh với ngành công nghiệp nội địa của Brazil để có được robusta, trong khi châu Âu và Trung Quốc có thể hưởng lợi hơn nhờ nguồn cung robusta lớn hơn từ Việt Nam với mức giá thấp hơn.

Hoàng Hiệp