Giá cà phê hôm nay 24/2: Giảm nhẹ 100 đồng trong tuần, giá tiêu lao dốc 2.000 - 3.000 đồng/kg
Giá cà phê tuần qua
Tuần qua, giá cà phê giảm 100 đồng/kg ở nhiều địa phương như Đắk Nông, Kon Tum xuống lần lượt 33.200 đồng/kg và 33.100 đồng/kg. Tại Lâm Đồng, Gia Lai, giá cà phê đi ngang ở mức 37.000 và 33.200 đồng/kg. Duy nhất tỉnh Gia Lai, giá cà phê tăng 100 đồng/kg lên 33.400 đồng/kg.
Diễn biến giá cà phê tuần qua. Số liệu: tintaynguyen.com |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê robusta có thể phục hồi nhẹ trở lại. Tình hình kinh tế lạc quan giúp đồng real tăng so với đồng USD sẽ khiến người trồng cà phê Brazil hạn chế bán ra.
Bên cạnh đó, thị trường còn xuất hiện lực mua mới của ngành công nghiệp chế biến do nhu cầu tiêu dùng cà phê tăng khá, nhất là ở các thị trường mới nổi.
Trong khi tồn kho cà phê robusta giảm 1.260 tấn, tương ứng giảm 1% trong tuần kết thúc ngày 11/2 so với tuần trước đó, xuống 121.580 tấn.
Nguồn: The Telegraph |
Trái lại, giá cà phê arabica được dự báo vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp do nguồn cung dư thừa.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Tiêu thụ cà phê toàn cầu được dự báo tăng 2,1% so với năm 2017 - 2018 lên 165,19 triệu bao trong năm 2018 - 2019.
Trong đó, tiêu thụ nội địa tại các quốc gia xuất khẩu ước tăng 1,4% lên 50,3 triệu bao. Tiêu thụ tại những quốc gia nhập khẩu ước tăng 2,5% lên 114,88 triệu bao.
Giá tiêu tuần qua
Tuần qua, giá tiêu tiếp tục lao dốc tới 2.000 - 3.000 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu Đồng Nai ghi nhận mức giảm mạnh nhất xuống còn 43.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại giá tiêu giảm 2.000 đồng/kg.
Tính chung toàn vùng Tây Nguyên và miền Nam giá tiêu chỉ còn khoảng 42.000 - 44.000 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu Đồng Nai thấp nhất, cao nhất tại Bình Phước.
Diễn biến giá tiêu tuần qua. Số liệu: tintaynguyen.com |
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho hay: "Chi phí sản xuất tiêu hiện nay là 50.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá như hiện nay, người dân phải chịu lỗ tới 6.000 đồng mỗi kg".
Lí giải cho tình trạng này, ông Hải cho biết tình trạng cung vượt cầu đối với mặt hàng hồ tiêu trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó, 95% tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu nên yếu tố thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến giá tiêu trong nước.
Theo ông Hải, đây chính là hệ quả của việc phá vỡ quy hoạch trồng tiêu. Giai đoạn 2013 - 2014, giá tiêu đạt kỉ lục, người dân ồ ạt trồng tiêu. Thậm chí có những vùng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp với cây tiêu nhưng người dân vẫn cố tình trồng.