|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 1/10: Tiếp đà giảm 400 đồng/kg

07:14 | 01/10/2022
Chia sẻ
Giá cà phê hôm nay (1/10) tại thị trường nội địa duy trì đà giảm với mức điều chỉnh là 400 đồng/kg so với hôm qua. Trên các sàn giao dịch kỳ hạn, giá cà phê robusta và arabica giảm với biên độ dưới 2%.

Cập nhật giá cà phê trong nước

Xem thêm: Giá cà phê hôm nay 2/10  

Theo khảo sát trên trang giacaphe.com vào lúc 7h10, giá cà phê hôm nay giảm 400 đồng/kg so với hôm qua.

Hiện tại, thị trường trong nước đang ghi nhận khoảng giá 46.100 - 46.500 đồng/kg.

Trong đó, giá thu mua tại tỉnh Lâm Đồng giảm 400 đồng/kg xuống còn 46.100 đồng/kg.

Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng điều chỉnh giao dịch giảm 400 đồng/kg về mức 46.400 đồng/kg.

Tương tự, tỉnh Đắk Lắk hiện đang ghi nhận mức giá 46.500 đồng/kg sau khi giảm 400 đồng/kg.

TT nhân xô

Giá trung bình

Thay đổi

FOB (HCM)

2.208

Trừ lùi: +55

Đắk Lắk

46.500

-400

Lâm Đồng

46.100

-400

Gia Lai

46.400

-400

Đắk Nông

46.400

-400

Tỷ giá USD/VND

23.730

+60

Đơn vị tính: VND/kg | FOB: USD($)/tấn

Diễn biến giá cà phê từ tháng 1 đến ngày 1/10. (Tổng hợp: Thảo Vy

 

Cập nhật giá cà phê thế giới

Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp đà đi xuống. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2022 được ghi nhận tại mức 2.153 USD/tấn sau khi giảm 1,33% (tương đương 29 USD).

Giá cà phê arabica giao tháng 12/2022 tại New York đạt mức 221,55 US cent/pound, giảm 1,84% (tương đương 4,15 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h10 (giờ Việt Nam).

Ảnh: Thảo Vy

Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê Ethiopia trên thị trường cà phê Trung Quốc, ngày càng nhiều người trồng và xuất khẩu cà phê Ethiopia đang cạnh tranh để thâm nhập vào thị trường cà phê mới nổi này.

Ông Israel Degefa, Giám đốc điều hành của Kerchanshe Trading - nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất ở Ethiopia, dự đoán: "Trung Quốc sẽ là một trong những điểm đến chính của cà phê Ethiopia trong tương lai gần”.

Ông nói: “Nhìn chung, thị trường Trung Quốc tăng trưởng hàng năm và chúng tôi đang tăng gấp ba lần xuất khẩu sang Trung Quốc cả về lượng và giá trị. Nhu cầu hiện đang ở mức cao và chúng tôi đang chuẩn bị trồng thêm cà phê để cung cấp cho thị trường tiềm năng này”.

Ethiopia được biết đến là xứ sở của cà phê arabica. Cà phê của quốc gia Đông Phi này được cả thế giới công nhận về sự phong phú về chất lượng, đa dạng về hương vị và hương thơm, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu.

Ông Degefa nhận định, nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê Ethiopia ở Trung Quốc có liên quan đến sự thay đổi văn hóa. Một thế hệ mới của Trung Quốc đang thích nghi với việc uống trà và cà phê hàng ngày.

Theo ông Temesgen Cherkos, Giám đốc Xuất khẩu của Hadeed Trading Private Limited Company, công ty của ông đang tăng cường vận chuyển cà phê sang Trung Quốc trong bối cảnh thói quen uống cà phê ngày càng tăng ở quốc gia này.

Ông chia sẻ: “Chúng tôi đã xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc từ hai năm nay. Năm trước công ty đã xuất khẩu một lượng nhỏ cà phê, song con số đó đang tăng đáng kể trong năm nay. Ít nhất chúng tôi cũng xuất khẩu 10 container cà phê đến Trung Quốc mỗi tháng”.

Có khoảng 5 triệu người trồng cà phê ở Ethiopia và hơn 25 triệu người dân nước này phụ thuộc vào sản xuất và chế biến cà phê để kiếm sống. Theo Cơ quan Cà phê và Trà Ethiopia (ECTA), cà phê chiếm tới 30% doanh thu xuất khẩu của Ethiopia.

Theo ECTA, cà phê arabica rất dễ bị tác động do điều kiện khí hậu thay đổi, đặc biệt, thời tiết sa mạc đang là mối đe dọa tiềm tàng đối với sản xuất cà phê tại quốc gia Đông Phi này, Xinhua đưa tin.

Thảo Vy